Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Công tác xã hội – nghề mới, cơ hội việc làm mới

Công tác xã hội – nghề mới, cơ hội việc làm mới

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32 phê duyệt đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020, chính thức công nhận công tác xã hội là một nghề. Nghề Công tác xã hội hiện nay đã có mã số, chức danh ngạch viên chức công tác xã hội. Một số nội dung sau đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về nghề Công tác xã hội – một nghề mới nhưng rất có triển vọng cho tương lai của bạn.

          Công tác xã hội là một khoa học ứng dụng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của con người, tạo ra những chuyển biến xã hội và đem lại nền an sinh cho người dân trong xã hội. Người làm công tác xã hội sẽ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ sau:

  1. Trợ giúp con người giải quyết và đối phó với các vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
  2. Kết nối con người với hệ thống dịch vụ và nguồn lực trong xã hội.
  3. Thúc đẩy, vận động các tổ chức xã hội cung cấp nguồn lực cho con người hoạt động.
  4. Tham vấn để phát triển và cải thiện hệ thống các chính sách xã hội.

          Với những nội dung trên có thể thấy công tác xã hội đã và đang được xem là một nghề có vai trò quan trọng trong xã hội, là một nghề mang tính nhân văn cao cả, là một nghề luôn hướng tới mục tiêu vì con người.

          Bắt đầu kể từ năm học 2012 – 2013, Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình đã chính thức mở thêm nghề đào tạo mới – nghề Công tác xã hội ở bậc Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề. Đến nay đã có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ra trường và đã có việc làm. Học viên theo học nghề Công tác xã hội tại trường sẽ được trang bị những kiến thức sâu và có hệ thống về lý thuyết công tác xã hội như Văn hoá cộng đồng, xã hội học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống, chính sách xã hội, các nội dung công tác xã hội…Bên cạnh đó học viên sẽ được trang bị năng lực giải quyết các vấn đề xã hội như tư vấn, chỉ dẫn, điều trị, can thiệp, điều tra, đánh giá các vấn đề xã hội…Học viên tốt nghiệp nghề công tác xã hội sẽ có cơ hội làm việc tại các cơ quan thuộc ngành Lao động, Thương binh và Xã hội từ cấp Trung ương đến địa phương hoặc cũng có thể làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, pháp luật, phục lợi xã hội. Ngoài ra học viên khi tốt nghiệp cũng có thể trở thành các nhân viên tư vấn các vấn đề xã hội, hoặc các cán bộ xây dựng chính sách xã hội.

          Mẹ Tereza, một khuôn mẫu của đức hy sinh vì con người và vì cộng đồng đã ví “công tác xã hội như những nguồn nước mát, nó tuôn chảy không ngừng để rồi ngấm mãi, ngấm mãi vào từng mạch đất cằn khô mà chẳng bao giờ chảy ngược về nguồn”. Nghề công tác xã hội tuy mới trở thành một nghề ở Việt Nam nhưng vai trò và ý nghĩa của nó chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội. Lựa chọn nghề công tác xã hội để tiến thân, lập nghiệp, để trở thành những người hoạt động xã hội chuyên nghiệp sẽ mang lại cho bạn tương lai vững bền trong xã hội.

                                                                      Lê Hùng Cường

Trưởng khoa Sư phạm kỹ thuật

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]