Đang đọc
Trang chủ > ĐẢM BẢO CL và NCKH > Nghiên cứu khoa học > Đề tài giáo viên > Nữ giáo viên và chiếc máy nghiền bột sắn dây tự tạo

Nữ giáo viên và chiếc máy nghiền bột sắn dây tự tạo

Năm 2014 là một năm đáng nhớ đối với cô giáo Nguyễn Thị Mây – Khoa Công nghiệp và phát triển nông thôn. Cô giáo không những được công nhận là giáo viên giỏi của Khoa, được cử đại diện đi thi GV giỏi cấp Trường, cô còn rất thành công trong lĩnh vực thu kiếm lợi nhuận nhờ tài lẻ kinh doanh tay trái. Đặc biệt hơn, bằng sự cần cù chịu khó và lòng quyết tâm cao độ, cô giáo đã chế tạo thành công một chiếc máy nghiền bột sắn dây vừa đơn giản, dễ sử dụng lại tiện ích và có giá trị kinh tế không nhỏ.

Khi gặp cô Nguyễn Thị Mây không ai nghĩ chính cô giáo chân chất, thuần phác này lại là một nhà “kinh tế học” với những sản phẩm kinh doanh được bao thầu trọn gói từ sản xuất đến đóng gói và bán trực tiếp ra thị trường. Mặt hàng của cô không phải là những thứ xa xỉ phẩm đặc biệt nào mà là những sản phẩm hay dùng nhất của đời sống sinh hoạt thường ngày của con người. Cô giáo nghiên cứu nhu cầu của mọi người, chủ yếu là giáo viên trong Trường và quyết định chọn gạo tám thơm, đặc sản của vùng quê Kim Sơn cũng như bột sắn dây sạch do chính tay cô chế biến, làm mặt hàng chủ yếu. Tuy chỉ làm hàng sau khi đã xong hết công việc về chuẩn bị bài vở cũng như giao dịch với khách chủ yếu qua điện thoại, face book nhưng trong 1 tháng cô đã bán được hơn 5 tạ bột sắn dây. Thậm chí có cả khách ở Hà Nội tín nhiệm đã đặt tiền trước để đăng ký bột sắn của cô. Xuất phát từ những lý do thực tế ấy cộng thêm lòng say mê tìm tòi, nghiên cứu cũng như kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề vững vàng cô đã chế tạo thành công chiếc máy nghiền bột sắn dây.

Khi đến tham quan chiếc máy, ai cũng ngạc nhiên và thích thú về hiệu quả không ngờ của nó. Cỗ máy cấu tạo rất đơn giản, gọn nhẹ nhưng như một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp.Máy nghiền dùng để nghiền các loại củ như sắn dây, nghệ, giềng…. Các sản phẩm này sau khi đã bị nghiền nát sẽ đem chuyển sang máy vắt bã sắn dây để hoàn thành nốt chu trình làm việc còn lại. Máy nghiền bột sắn dây chủ yếu chạy bằng điện và cũng khá dễ khi sử dụng. Cấu tạo của máy gồm hai phần là phần cơ khí và phần điện. Phần cơ khí gồm quả lô với đường kính:  ф140, bề rộng: 240 mm, trên quả lô là hệ thống bánh răng để làm nhỏ, đánh tơi nguyên liệu cần sơ chế. Phần điện gồm động cơ với tốc độ 150.000vòng/ 1 phút, công suất: 1.5kw và dây đai để truyền chuyển động từ động cơ đến phần cơ khí. Ở máy vắt bã sắn dây, phần cơ khí là lồng trong, lồng ngoài và giá đỡ. Còn phần điện chỉ là động cơ điện đơn giản.  Cơ chế làm việc của máy chính là dựa trên nguyên lý làm việc của máy quay li tâm. Khi cắm điện, lồng trong vận hành và đẩy sắn dây ép sát vòng ngoài để tách gần như tuyệt đối phần bột và phần bã của sắn dây. Nhìn chiếc máy với những vòng quay ngoạn mục và âm thanh rất êm tai đẩy ùn ùn thứ bột trắng mịn, sánh ngọt và thơm mát chỉ trong thời gian rất ngắn không ai ngờ lại là sản phẩm do chính cô giáo sáng chế ra.

Cô Mây cho biết lý do và động lực để cô quyết tâm chế tạo chiếc máy này chính là mục đích nhằm giảm tải và thay thế sức lao động của con người. Khi trực tiếp chế biến bột sắn dây cũng như quan sát người dân hì hục dùng đôi tay thủ công của mình để giã, mài và vắt  sắn dây, vừa tốn công, tốn sức lại lãng phí, không sử dụng được triệt để bột từ nguyên liệu sẵn có, cô đã nảy ra ý định chế tạo chiếc máy này. Say mê nghiên cứu, tìm tòi, tự mày mò và chính từ cơ chế hoạt động của Nhà máy nước cùng vòng quay của chiếc máy giặt tại gia đình đã bắt nguồn cảm hứng cho sáng tạo kỹ thuật của cô giáo.  Cỗ máy đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng này lại có tính  năng và tác dụng không hề nhỏ. Nếu như dùng đôi tay thông thường để mài hoặc gĩa thì trong 1 giờ đồng hồ  chỉ đạt được tối đa 30kg bột sắn dây. Nhưng sử dụng chiếc máy này công suất sẽ là 6 tạ trong cùng khoảng thời gian ấy. Còn ở khâu vắt lấy bột, nếu như dùng phương pháp thủ công, kết quả chỉ khoảng 30kg/1giờ còn nếu đưa cỗ máy vào thay thế sức người vừa không tốn sức, tốn công, tốn thời gian kết quả lại gấp 20 lần phương pháp người dân dang sử dụng phổ biến kia.

Ngày chiếc máy chính thức ra đời và thử nghiệm hoạt động là ngày các em học sinh hân hoan và náo nức hơn cả. Chỉ đơn giản là bởi chính việc rèn luyện kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh mới là mục đích quan trọng nhất để cô giáo quyết tâm thiết kế, chế tạo cỗ máy đặc biệt này và chính các em cũng là những người “đồng tác giả” với cô. Cô Mây cũng như tất cả các giáo viên khác trong Trường luôn thực hiện theo phương châm: Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Và đó, phải chăng cũng chính là lý do vì sao những cậu HS hiếu động, khi vào lớp học của cô đều rất chịu khó, chuyên tâm và không hề có thói quen bỏ học. Khi nhìn hai học sinh Nguyễn Hoàng Long và Nguyễn Văn Tuyến, (TCN Điện nước K44Đ3)– người đã sát cánh, đồng hành với cô Mây trong việc chế tạo, tuy mới học năm thứ nhất nhưng sử dụng rất thành thạo các dụng cụ và nhoay nhoáy vận hành các động cơ chính là minh chứng xác thực nhất cho phương pháp dạy học mà Khoa Công nghiệp và PTNT nói riêng và trường CĐN Cơ giới Ninh Bình đang sử dụng. Đó là dạy học lý thuyết luôn gắn liền với thực hành, học sinh luôn được chủ động và sáng tạo trong quá trình dạy học…

Điều thú vị hơn cả đó chính là việc chế tạo chiếc máy này thực ra phù hợp với nghề cơ khí chế tạo nhưng nó lại ra đời bởi tác giả là nữ giáo viên dạy nghề điện nước. Nếu không có kiến thức chuyên môn liên ngành sâu sắc, không có tư duy kỹ thuật sáng tạo, không có khả năng liên hệ và phân tích sắc sảo, không có tình yêu nghề và trách nhiệm cao độ với học sinh… cô giáo không thể sáng chế ra cỗ máy đơn giản mà kỳ diệu này. Khi chiếc máy ra đời và vừa thử nghiệm hoạt động, ngay lập tức đã có nhiều tín hiệu phản hồi tích cực. Có rất nhiều cơ sở sản xuất bột sắn dây đến và đăng ký, đặt hàng chế tạo. Ông  Nguyễn Văn Hùng  ở  xã Yên Sơn, người được coi là “ông trùm” chế biến và buôn bán bột sắn dây ở TX Tam Điệp đã đến tận xưởng khoa CN và PTNT để quan sát và đặt  mua 3  chiếc máy này.

Thày Nguyễn Thế Sơn – Phó trưởng Khoa CN và PTNT, người luôn theo sát và trợ giúp cho cô Mây khẳng định: “Quan tâm, động viên để ươm mầm những tài năng của của GV và HS nhằm xây dựng những sáng kiến kỹ thuật làm lợi cho gia đình và xã hội là nhiệm vụ của những người làm công tác quản lý”. Đó không chỉ là thông điệp của riêng Khoa CN và PTNT mà còn là định hướng chung cho cả quá trình phát triển của Nhà trường.

Đỗ Thị Thu Hằng

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]