Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Tin nhà trường > CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 – 1969) – NGƯỜI “ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM – NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT”

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 – 1969) – NGƯỜI “ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM – NHÀ VĂN HÓA KIỆT XUẤT”

Ngày 19/5 đã trở thành một ngày in dấu ấn sâu đậm nhất trong tâm trí của những người con đất Việt, vì đó là ngày sinh của người con ưu tú nhất, một tấm gương chói sáng nhất và một con người vĩ đại nhất của dân tộc ta: Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 nǎm 1890 tại quê ngoại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước.

Thân phụ của Người là Cụ Nguyễn Sinh Sắc, sinh nǎm 1862. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng ông sớm có ý chí tự lập, thông minh, ham học. Nǎm 1901 Nguyễn Sinh Sắc thi Hội và đậu Phó bảng. Tuy đỗ cao nhưng ông vẫn sống rất thanh bạch, khiêm tốn, ghét thói xu nịnh, cam phận của các quan lại trong triều đình Huế. Ông chỉ làm quan trong một thời gian ngắn và sau đó sống bằng nghề dạy học, bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Ông đã đi nhiều nơi, liên lạc với những người yêu nước, tuyên truyền đoàn kết, kêu gọi nhân dân sống có tình nghĩa thủy chung. Tư tưởng yêu nước tiến bộ, nhân cách cao thượng của ông đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến những người con. Ông qua đời tại thị xã Cao Lãnh (Đồng Tháp) vào nǎm 1929, thọ 67 tuổi.

Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan sinh nǎm 1868 trong một gia đình nho học. Bà là một phụ nữ thông minh, cần cù chịu khó, thương yêu chồng con và giàu lòng nhân ái. Bằng nghề làm ruộng và dệt vải bà đã hết lòng chǎm lo cho chồng và các con. Cuộc đời của bà tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại hình ảnh về một phụ nữ Việt Nam sống có tình nghĩa và có ảnh hưởng rất lớn tới tư cách của các con mình. Bà Hoàng Thị Loan qua đời tại Huế nǎm 1901, lúc 33 tuổi.

Chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Thanh (tức Bạch Liên nữ sĩ) sinh nǎm 1884. Chị đã tham gia nhiều phong trào yêu nước, nhiều lần bị thực dân Pháp và triều đình phong kiến bắt giam. Nguyễn Thị Thanh qua đời tại quê hương nǎm 1954, thọ 70 tuổi.

Anh trai Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt) sinh nǎm 1888. Từ tuổi thanh niên, Nguyễn Sinh Khiêm đã đi nhiều nơi truyền thụ kiến thức, mở mang vǎn hoá. Do tham gia các hoạt động yêu nước chống thực dân và phong kiến nên Nguyễn Sinh Khiêm đã từng bị tù đày nhiều nǎm. Nguyễn Sinh Khiêm qua đời nǎm 1950, thọ 62 tuổi.

Sinh ra tại mảnh đát Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến, cùng với hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về chính trị, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước.

Ngày 5 tháng 6 nǎm 1911, với bí danh Vǎn Ba, Người nhận làm phụ bếp cho tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) của hãng Nǎm sao, rời Sài Gòn đi Mác-xây (Marseille) Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Từ nǎm 1911 đến nǎm 1920, Nguyễn Tất Thành đã đến nhiều nước ở châu Âu, châu Phi , châu Mỹ, nghiên cứu và học hỏi để quyết định con đường Cứu nước.

Tháng 7 nǎm 1920 qua báo Nhân đạo (L’Humanité) Pháp, Nguyễn ÁiQuốc được đọc Luận cương của V.I. Lê nin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Sau này nhớ lại niềm sung sướng khi đọc Luận cương của V. I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Luận cương của V. I. Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ.! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.”

Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.

Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Tháng 8 năm 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.

Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 9/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tháng 7 năm 1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Géneva được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 2/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.

Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.

Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục – Văn hóa – Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất” .

Đinh Hồng (Tổng hợp)

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]