Đang đọc
Trang chủ > Nội dung nổi bật > Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình – ngày hội của tháng ba

Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình – ngày hội của tháng ba

Lấy học sinh làm trung tâm không chỉ là phương châm trong quá trình dạy học của các giáo viên trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được đặt tại TX Tam Điệp tỉnh Ninh Bình. Tất cả các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi thiết bị dạy học… cũng lấy đó làm đích cho sự thực hiện. Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình luôn phát huy sức mạnh của truyền thống 45 năm để thực hiện sứ mệnh tuổi trẻ của mình. Mừng sinh nhật lần thứ 84 của Đoàn là một chuỗi những hoạt động giàu ý nghĩa và gắn với sự năng động, tích cực của tuổi trẻ Nhà trường. Từ ngày 25 đến hết ngày 26.3, cả trường như òa vỡ trong sự hứng khởi và bầu không khí đam mê sáng tạo ngập tràn.

“Rung chuông vàng” – sức mạnh của trí tuệ và những kiến thức tổng hợp

            Cứ đến những ngày tháng 3, khi hơi thở của mùa xuân càng nồng nàn và đang tiến đến vẻ đẹp viên mãn nhất, theo truyền thống của trường CĐN Cơ giới Ninh Bình, một loạt các hoạt động kỉ niệm sinh nhật Đoàn lại diễn ra. Cuộc thi Rung chuông vàng do bí thư Nguyễn Xuân Thịnh phát động hơn 1 tháng trước đó, đã sôi động và đầy lôi cuốn diễn ra với 100 thí sinh của 5 đội/7 khoa của trường.  Ngoài ra mỗi đội cũng có một đội cứu trợ chính là 4 giáo viên của các khoa.

  

Cuộc thi đầy kịch tính đã diễn ra qua hai vòng với 20 câu hỏi và 6 câu hỏi phụ. Sự hồi hộp, phút giây tập trung trí tuệ cao độ và sau đó là sự choáng ngợp âm thanh của những tràng pháo tay, tiếng hò reo tưởng vỡ tung Hội trường khi những chiếc bảng kết quả và sự đánh giá của người dẫn chương trình, được đưa ra. Chuỗi cảm xúc này đã thực sự lan tỏa đến từng HSSV đến cổ vũ. Dương kim Thành, sinh viên Cao đẳng Công nghệ Ô tô 1 K43Đ3, sau hai vòng chiến thắng đã thực sự chinh phục được đỉnh cao trí tuệ khi đầy háo hức và ngập tràn hạnh phúc, gióng giả rung chiếc chuông vàng của hội thi.

                          

Cuộc thi Rung chuông vàng tuy là sân chơi dành cho HSSV nhưng đã phần nào thể hiện mục tiêu hoạt động của Nhà trường. Đó là luôn đào tạo nguồn nhân lực đa năng. Hệ thống ngân hàng câu hỏi của cuộc thi chính là những kiến thức tổng hợp, liên ngành của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ… chứ không hề chỉ là đặc thù về khoa học kỹ thuật như đặc trưng nghề nghiệp của Nhà trường. Cuộc thi cũng chính là nghệ thuật sư phạm nhằm phần nào rèn luyện khả năng ứng phó tư duy linh hoạt và định hướng sinh hoạt lành mạnh, đẩy xa một số thói hư tật xấu của một bộ phận HSSV, tạo sợi dây gắn kết của HSSV với sự say mê chinh phục kiến thức. Sức mạnh tập thể và sự đoàn kết của các em HS cũng được thể hiện khi cả lớp, cả khoa cùng giúp nhau ôn tập, tìm hiểu kiến thức và hò reo cổ vũ khi thi đấu.

Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật”- truyền thống và thắp sáng đam mê

            Cuộc thi được phát động thường niên và nhằm mục đích áp dụng cũng như hiện thực hóa những cải tiến kỹ thuật dự thi trong giảng dạy và sản xuất. Ngược lại chính việc sáng tạo, cải tiến cũng sẽ tạo tiền đề lý luận và thực tiễn nhằm định hướng phương pháp dạy học cho GV. Dạy học luôn theo nguyên lý tích hợp, dạy lý thuyết song song dạy thực hành. Ngoài ra cuộc thi cũng nhằm khơi dậy tiềm năng và thắp sáng ngọn lửa đam mê sáng tạo kỹ thuật của GV và HSSV trong trường.

Ngày 25.3, cũng ngay trong Nhà Giáo dục thể chất- nơi diễn ra cuộc thi sinh động và hấp dẫn rung chuông vàng, các sản phẩm, mô hình chung kết của Sáng chế kỹ thuật, đã được chưng bày và chấm thi công khai trước sự tò mò, háo hức và đầy thích thú của HSSV. Điều đặc biệt là chính HSSV cũng được trực tiếp vận hành, thử nghiệm các mô hình ấy. Tham gia chung kết hội thi là 9 sáng chế kỹ thuật chủ yếu thuộc các chuyên ngành Điện công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí … của cả GV và SV trong trường.

         

Sau một thời gian khảo sát về cấu tạo, nguyên lý hoạt động cũng như tính ứng dụng và sự khả thi của các sáng chế, Ban giám khảo- mà trực tiếp là Ban giám hiệu và một số GV có uy tín, đã quyết định trao giải cho một số sáng chế đặc sắc. Giải nhất thuộc về Thiết bị mô phỏng lái máy xúc của nhóm tác giả Ninh Đức Hùng Khoa KT du lịch, Lê Minh Mão khoa Máy thi công, Phạm Văn Thịnh khoa Công nghiệp và PTNT. Sáng chế chinh phục được Ban giám khảo bởi ngay tính ứng dụng thực tiễn sắc sảo của nó. Mô hình sẽ giúp người học được làm quen các thiết bị điều khiển của máy xúc. Từ đó dần hình thành kỹ năng nghề. Đặc biệt, vì sản phẩm này ứng dụng trực tiếp từ trò chơi cabin điện tử – một trong những trò chơi thích thú của giới trẻ, nên càng tăng sự hấp dẫn đối với người học. Đây cũng chính là hình thức đổi mới một phần phương pháp đào tạo nghề lái máy xúc.

Hai giải nhì thuộc về sáng chế Rôbốt đánh cầu lông của tập thể tác giả Khoa Cơ điện, máy nghiền bột sắn dây của cô Nguyễn Thị Mây khoa Công nghiệp và PTNT. Sáng kiến kỹ thuật Rôbốt đánh cầu lông đang nhằm mục đích sẽ tham dự kỳ thi Robocom 2015 do đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Hai chú rôbôt ngộ nghĩnh này đã được trải nghiệm thi đấu những pha cầu lông ngoạn mục với một số SV trong trường. Cơ chế kỹ thuật của sáng chế này chính là sử dụng bo mạch có gắn vi điều khiển để lập trình. Các tác giả đã ứng dụng tư duy lập trình để xử lý các tín hiệu đầu vào và đầu ra để điều khiển các động cơ hoạt động theo đúng quy trình. Nếu như sản phẩm này mang lại sự ngỡ ngàng, thích thú cho khán giả bởi tư duy khoa học và sự thỏa mãn về nhu cầu giải trí thì Máy nghiền bột sắn dây của cô Nguyễn Thị Mây lại khẳng định tính ứng dụng thực tiễn

cụ thể và hóa giải bài toán về thời gian cũng như sức lao động của người lao động khi họ phải dùng chính đôi tay thủ công để mài, giã bột sắn dây. Máy nghiền bột sắn dây chủ yếu chạy bằng điện và cũng khá dễ khi sử dụng. Cấu tạo của máy gồm hai phần là phần cơ khí và phần điện. Cơ chế làm việc của máy chính là dựa trên nguyên lý làm việc của máy quay li tâm. Khi cắm điện, lồng trong vận hành và đẩy sắn dây ép sát vòng ngoài để tách gần như tuyệt đối phần bột và phần bã của sắn dây. Ưu thế nổi bật của máy chính là thay thế sức người. Sử dụng máy vừa không tốn sức, tốn công, tốn thời gian kết quả lại gấp 20 lần phương pháp thủ công người dân dang sử dụng phổ biến kia.

          Các sáng chế kỹ thuật được giải ba đó là: Robot tự động dò đường của nhóm tác giả khoa Cơ điện, bàn khoan mini của thày Nguyễn Ngọc Hoàn, thước đo độ võng xích của thày Lê Minh Mão và Nguyễn Văn Thế khoa Máy thi công, bàn cắt phôi tấm phẳng đa năng của tác giả Lương Minh Đức, Lê Quốc Thành và hai sản phẩm cùng tên Dây phơi quần áo thông minh một là của thày Nguyễn Ngọc Hoàn và một là của hai sinh viên Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Văn Vọng lớp CĐN Điện CN k44Đ1. Tất cả những sản phẩm này đều là sự ứng dụng cụ thể của các chuyên ngành đang giảng dạy trong Nhà trường. Ưu thế nổi trội của các sản phẩm chính là đơn giản, dễ làm, tiện lợi, dễ sử dụng, hiệu quả kinh tế cao, chi phí chế tạo thấp, không lãng phí vật tư, tiết kiệm nhiên liệu khi chế tạo và sử dụng, giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra còn thể hiện tính sư phạm và tính xã hội cao. Chúng đều có thể áp dụng rộng rãi trong các trường đào tạo nghề.

Cuộc thi kết thúc nhưng dư âm và bầu không khí say mê và đầy ắp sáng tạo như còn mãi. Nếu không có kiến thức chuyên môn liên ngành sâu sắc, không có tư duy kỹ thuật sáng tạo, không có khả năng liên hệ và phân tích sắc sảo, không có tình yêu nghề và trách nhiệm cao độ với học sinh… các thày cô giáo không thể sáng chế ra những sản phẩm đơn giản mà kỳ diệu như vậy. Tất cả các tác giả và hầu như các GV trong trường CĐN Cơ giới Ninh Bình khi thực hiện quá trình dạy học đều luôn thực hiện theo phương châm:  Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất. Nhiều sáng chế KT mới, nhiều gương mặt tác giả mới… đều đang hứa hẹn ở cuộc thi những năm sau.

Khỏe để dạy tốt, học tốt

          Thi TDTT trong ngày hội Đoàn là nét đẹp truyền thống của trường. Bên cạnh những môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền của cả GV và HS thì thi kéo co, thi đi xe đạp chậm, thi bịt mắt đánh trống… đầy rộn rã, cuồng nhiệt lại do chính các em HSSV trực tiếp tham gia. Thỏa sức vui chơi và thể hiện sức trẻ, sự dẻo dai, bền bỉ, sự phối hợp sức mạnh của hoạt động tập thể… là cảm hứng nổi bật của cuộc thi.


Ở giải thi kéo co, nhất là Khoa Công nghiệp và PTNT, nhì là khoa Kinh tế du lịch. Thi xe đạp chậm Khoa Ô tô giành giải quán quân, nhì thuộc về Khoa Cơ điện. Bịt mắt đánh trống, giải nhất do Khoa Ô tô và nhì do Khoa Máy thi công chiếm hữu.

Thắng lợi lớn nhất của hội thi là niềm vui và sự thỏa mãn trọn vẹn của HSSV. Các em đã thực sự làm chủ các sân chơi lành mạnh, làm chủ các hoạt động tích cực của bản thân. Để từ đó, dần biến thành sức mạnh và nội lực của lòng hiếu học.

Những hoạt động của Đoàn thanh niên Nhà trường đều là sự cụ thể hóa các mục tiêu do Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đề ra. Tất cả các hoạt động, mục tiêu ấy đều  cùng hướng tới những nhân vật chính, đó là học sinh, sinh viên trong toàn trường. Đào tạo nguồn nhân lực đa năng, phát triển cả về trí lực lẫn thể lực, có chiều sâu cả về kiến thức, kỹ năng nghề và bồi dưỡng nhân cách… là nhiệm vụ cơ bản của Nhà trường.

                                                                                                             Hằng Đỗ

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]