Đang đọc
Trang chủ > ĐẢM BẢO CL và NCKH > Nghiên cứu khoa học > Đề tài học sinh - sinh viên > Ứng dụng vi điều khiển, sáng tạo lắp mạch đèn trang trí

Ứng dụng vi điều khiển, sáng tạo lắp mạch đèn trang trí

Vào những buổi chiều hiu hắt cuối đông, cái lạnh quay quắt thấu xương khiến học sinh, sinh viên khi không có giờ lên lớp hầu như bám trụ tuyệt đối trong phòng để chạy trốn cái rét. Nhưng gần đây, xưởng Thực hành khoa Cơ điện bỗng trở nên đông vui trong bầu không khí say sưa sáng tạo.  Đó chính là hình ảnh màu áo xanh đồng phục quen thuộc của  HSSV khoa Cơ điện, đang quây quần bên thày giáo Nguyễn Ngọc Hoàn-  thạc sỹ kỹ thuật điện Công nghiệp, để cùng thực hành lắp mạch đèn trang trí cho riêng mình.

Không khí tết cổ truyền đã ùa về và ngự trị khắp nơi. Với những người con xa xứ, sự mong mỏi được đoàn tụ bên mái ấm gia đình trong cái nồng nàn của hương trầm ngày tết, trong men cay nhẹ dịu của rượu xuân, trong vị ấm nồng, dẻo thơm của bánh trưng truyền thống…là quy luật tình cảm tất yếu. Các em HSSV trường CĐN Cơ giới NB cũng náo nức hồi hương ăn tết. Trên tay các em là những trang lịch xinh xắn gắn chặt với những thông tin và thương hiệu của Nhà trường là món quà nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa Nhà trường dành tặng cho gia đình các em. Bên cạnh món quà tết chung ấy, một số cậu sinh viên khoa Cơ điện trên tay còn háo hức mang về tặng cho gia đình món quà là những chiếc đèn nhấp nháy với đủ mọi hình dáng và màu sắc, do chính tay mình chế tạo nên.

Việc sử dụng chiếc đèn nhấp nháy lung linh sắc màu luôn là thói quen và thú chơi tao nhã của người dân mỗi khi tết đến, xuân về. Nếu như những chiếc đèn nhấp nháy được bán trên thị trường chủ yếu chỉ với hai hiệu ứng tắt- mở theo 4 chế độ nhấp nháy cố định thì chiếc đèn trang trí thày trò khoa Cơ điện lắp mạch lại có ưu thế nổi bật. Đèn trang trí của thày trò khoa Cơ điện có tới 32 đầu ra và nó có thể thay đổi chế độ theo chủ định lập trình của người lắp mạch. Mục đích, ý tưởng của chủ nhân hoàn toàn được thỏa mãn theo yêu cầu kỹ thuật do chính mình đặt ra. Sở dĩ thực hiện được điều này vì thày trò trong Khoa đã ứng dụng linh hoạt và đầy sáng tạo  từ mạch LED trái tim của mạch vi điều khiển. Cơ chế kỹ thuật để có thể thay đổi chương trình được của dạng mạch này chính là từ chip AT 89C52. Nó là sự ứng dụng trực tiếp của việc lập trình các chế độ từ máy điều hòa nhiệt độ hay  chiếc máy giặt…

Vận dụng ưu thế lập trình ấy, HSSV khoa Cơ điện dưới sự hướng dẫn của thày Hoàn có thể thỏa sức sáng tạo hình dáng hay các thông điệp ánh sáng diệu kỳ. Các em thích thú và say mê chế tạo các đèn trang trí với đủ các dòng chữ: Chúc mừng năm mới, chúc mừng sinh nhật, quyết tâm đạt giải…  Một vài cậu SV lãng mạn còn dùng mạch đèn trang trí gửi lời muốn nói với bạn gái của mình qua dòng chữ: I Love you…

Thày Trần Duy Đông cùng thày Nguyễn Ngọc Hoàn bên HS với những chiếc đèn trang trí tự tạo

Mặc dù những buổi chiều không có tiết học nhưng các em HSSV lớp TCN Điện CN K43Đ3, K44Đ3 vẫn hăng say lên xưởng thực hành Khoa Cơ điện. Các em đến để tự rèn luyện kỹ năng nghề và lắp mạch đèn mang tính thẩm mỹ này là sự lựa chọn của số đông các em. Khi hỏi thày Nguyễn Ngọc Hoàn lý do thày hướng dẫn HSSV lắp mạch đèn trang trí này, thày cho biết chỉ đơn giản là để các em hứng thú và có động lực học hành. Ngoài ra cũng còn do việc nắm bắt tâm lý của các cậu sinh viên khi dịp Noen, tết cổ truyền  hay Valentine sắp tới… Các cậu muốn tặng gia đình, người thân, bạn gái… của mình món quà do chính đôi tay kỹ thuật với kiến thức và kỹ năng nghề được trang bị bởi những người thày, người cô tận tâm của Trường CĐN Cơ giới Ninh Bình. Cậu HS Nguyễn Văn Vọng lớp TCN K44Đ3 khi mang tặng bố dàn đèn trang trí tự tạo, với chế độ nhấp nháy do chính cậu lập trình, gia đình vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Nhìn chiếc đèn khi tắt- mở và dần hiện ra dòng chữ thông điệp tương ứng với hiệu ứng ánh sáng khác nhau, phát ra những tia sáng lung linh, rực rỡ đầy kỳ thú, họ phần nào đã nhận biết được con của mình được học hành ra sao nơi mái trường họ đã lựa chọn để gửi gắm…

Học sinh say sưa và thích thú lắp mạch đèn trang trí

 Việc định hướng cho học sinh vận dụng mạch vi điều khiển để lắp đèn trang trí tuy chỉ là sự ứng dụng và sáng chế kỹ thuật đơn giản nhưng nó không còn vấn đề kỹ thuật mà đã trở thành một nghệ thuật. Nghệ thuật mang tính thẩm mỹ sinh động và đầy sáng tạo. Nó còn thể hiện tính nghệ thuật sư phạm. Nghệ thuật nắm bắt tâm lý và quy luật tình cảm nơi học sinh. Hơn nữa, đối với HSSV học nghề, được tham gia, cọ xát với thực tế chính là bài học quý giá nhất: “Tôi nghe- tôi quên, tôi nhìn- tôi nhớ, tôi làm- tôi hiểu” chính là câu phương ngôn giản dị mà sâu sắc nhằm nhấn mạnh việc học thực hành song song học lý thuyết mà Thạc sĩ Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Phòng Đào tạo của Nhà trường, luôn tâm đắc và thường xuyên nhắc nhở GV của Nhà trường vận dụng trong giảng dạy đối với HSSV trong Trường.

Hằng Đỗ

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]