Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 là ngày trọng đại tôn vinh phái đẹp trên cả nước. Tuy nhiên, hẳn không phải ai cũng biết nguồn gốc của ngày lễ đặc biệt này.

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước có nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp. Do đó, từ xa xưa người phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính trong việc nuôi sống cả gia đình. Không chỉ giỏi việc nhà phụ nữ Việt còn đảm việc nước.

Minh chứng hùng hồn là qua các thời kỳ đấu tranh chống ngoại bang, những cái tên như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Bà Triệu, chỉ huy vạn quân, cưỡi voi đánh giặc, khiến quân thù bạt vía đã đi vào lịch sử. Có không ít lời ca ngợi về khí thế “ngút trời” của những nữ anh hùng này.

“Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận phường tham bạo, thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân…”

Hình ảnh Bà Trưng đã đi vào thơ ca như những biểu tượng đẹp nhất là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất.
Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, không kể xiết những tấm gương phụ nữ dũng cảm, kiên trung. Nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu, dù chưa đủ 18 tuổi, nhưng đã dám quăng lựu đạn giết chết và làm bị thương 20 tên giặc.

Không khai thác được gì từ người con gái ấy, giặc Pháp đã tử hình cô. Khi đao phủ bắt cô quỳ xuống, người con gái ấy quát lại bọn chúng một câu đã đi vào huyền thoại: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”.

Câu nói đó của người con gái Việt Nam trẻ tuổi đã khiến lũ giặc run sợ, chúng không ngờ trong thân hình mảnh mai đó lại chứa đựng một ý chí phi thường, bất khuất.

Rồi Nguyễn Thị Minh Khai, sau những ngón đòn tra tấn tàn bạo, bà đã lấy máu mình viết lên cánh cửa phòng giam: “Dù đánh, dù treo, càng cương quyết/ Dù kềm, dù kẹp, chẳng sai lời/ Hy sinh phấn đấu vì nhiệm vụ/ Triệt để thực hành chết mới thôi”.


Nguyễn Thị Minh Khai một trong những nữ anh hùng của Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa phong kiến, tầng lớp phụ nữ Việt bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công. Khát vọng giải phóng dân tộc cũng vì thế mà sôi sục trong tâm trí phụ nữ.

Những ngày đầu chống Pháp, rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như Nguyễn Thị Minh Khai, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế…

Tiếp đó, năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia như Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng.

Năm 1928, Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.

Năm 1930, trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô Viết ở trên 300 xã. Ngày 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Chính vì thế, chỉ một thời gian ngắn sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam cũng được thành lập. Đảng Cộng sản cũng coi đây là ngày tôn vinh chị em phụ nữ. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, mà tiền thân là Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam.


Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới và chỉ làm cách mạng giải phóng dân tộc để có độc lập dân tộc thì phụ nữ mới được giải phóng.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, trong hoàn cảnh bị tù đày và khi đã là lãnh tụ cách mạng, Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là trong xã hội còn chịu ảnh hưởng tàn dư của chế độ phong kiến và đô hộ, áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

Nếu không giải phóng phụ nữ thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội. Và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự đem lại lợi ích cho con người, trong đó phụ nữ được chăm lo, được giải phóng. Đó cũng là công việc quan trọng trong công cuộc kiến thiết nước nhà, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Theo Người, nội dung cơ bản là huy động phụ nữ tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ vươn lên, thật sự bình đẳng với nam giới. Muốn làm được điều đó, “phụ nữ cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm, đây là lúc chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu cử và ứng cử”.

Có thể nói, những cơ sở pháp lý đó đã thật sự mở ra những cơ hội mới cho phụ nữ Việt Nam trên con đường phát triển. Minh chứng cho thấy có hàng trăm công ty xí nghiệp có uy tín cao trên thị trường trong nước, quốc tế do phụ nữ lãnh đạo. Nhiều người đã đạt được thành tựu lớn lao góp phần vào sự phát triển chung của đất nước…

Trang Nam (theo http://www.doisongphapluat.com/gia-dinh/nguon-goc-va-y-nghia-cua-ngay-phu-nu-viet-nam-2010-a55436.html)

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]