Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Tin giáo dục > Trượt đại học: Học nghề, trung cấp – lối ra khả quan

Trượt đại học: Học nghề, trung cấp – lối ra khả quan

Chọn học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp sẽ là một lối ra khả thi đối với những thí sinh vẫn “trắng tay” sau 3 đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Bởi, ngoài việc dễ dàng nhận được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp với mức thu nhập tương đối (từ 2,5 – 5 triệu đồng/tháng), thì với những TS đi theo con đường học nghề vẫn có cơ hội khẳng định mình ở các bậc học cao hơn như CĐ và ĐH, thậm chí là đi học liên thông ở nước ngoài…

Gần nửa triệu chỗ học trung cấp chuyên nghiệp

Những năm gần đây, mỗi năm có trên 1 triệu thí sinh (TS) dự thi ĐH, CĐ có khoảng 20% trúng tuyển vào ĐH, 20% trúng tuyển vào CĐ. Sẽ có trên 50% không trúng tuyển. Thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường nghề cũng khá thuận lợi với các TS  đã “rớt” tất cả 3 nguyện vọng (NV), đa số trường bắt đầu từ đầu tháng 10 và kéo dài đến hết tuần đầu tháng 11.

Ngoài hệ thống các trường CĐ nghề, những TS có sức học đạt mức  “cận sàn” theo tiêu chuẩn của Bộ GDDT cũng sẽ dễ dàng tìm được một chỗ học tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Theo Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GDĐT thì năm 2009, chỉ tiêu tuyển sinh vào TCCN là 460.799, tăng gần 10% so với năm 2008. Cả nước có 53 cơ sở đào tạo trình độ TCCN, bao gồm các trường TCCN và các trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ này.

Theo ông Phạm Như Nghệ – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thì sự phân biệt giữa học TCCN và học nghề đó là: TCCN và dạy nghề đều thuộc giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. TCCN nhằm đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc. Dạy nghề nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ, có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo.

Nhu cầu về nhân lực trình độ TCCN của các doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Nhiều học sinh TCCN ra trường có thể kiếm được việc làm với thu nhập khá; trong đó, một số ngành có nhu cầu nhân lực trình độ TCCN lớn và nhu cầu người học cũng tăng như các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực hấp dẫn. Theo thống kê từ Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thì những năm gần đây, những lĩnh vực đông học sinh đăng ký vào học TCCN là y tế, du lịch – dịch vụ, tài chính – ngân hàng – kế toán, sư phạm, giao thông – xây dựng, cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ may và thời trang, công nghệ chế biến…

Đường vòng lên CĐ, ĐH

Một lợi thế cho học sinh theo học tại các trường TCCN thuộc hệ thống quản lý của Bộ GDDT là sẽ có cơ hội học liên thông lên các bậc học cao hơn. Được công nhận, chuyển đổi kết quả học tập ở trình độ TCCN nên thời gian học sẽ ngắn hơn so với học sinh tốt nghiệp THPT khi vào CĐ, ĐH. Thời gian học liên thông lên CĐ sẽ từ 1,5 – 2 năm, lên ĐH sẽ từ 2,5 – 4 năm, tùy ngành.

Để liên thông lên CĐ, người tốt nghiệp TCCN loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp, người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được dự tuyển. Để liên thông lên ĐH, người tốt nghiệp TCCN phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo thì được tham gia dự tuyển.

Một số trường ĐH, CĐ đang thực hiện đào tạo liên thông với hệ trung cấp là Trường ĐH Sài Gòn, ĐH Lạc Hồng đang thực hiện chương trình liên thông lên ĐH ở các ngành như kế toán, tin học. Các trường ĐH Bình Dương, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tài chính Marketing cũng đang triển khai đào tạo liên thông mốt số ngành “hot” như kế toán, tài chính và du lịch…

Ngoài ra, theo nhận định của đại diện của một số trường nghề như CĐ Nghề TPHCM, CĐ Nghề Việt Mỹ hoặc Trường TCCN Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng… thì HS sau khi tốt nghiệp hệ TCCN hoặc CĐ nghề, ngoài cơ hội theo học liên thông tại những trường ĐH, CĐ trong nước mà còn có điều kiện để theo học một số chương trình liên thông tại nước ngoài, theo những ngành nghề mà các trường có thực hiện  liên kết với những đối tác nước ngoài.

Thể Uyên – Ngân Anh (laodong.com.vn)

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]