Đang đọc
Trang chủ > Nội dung nổi bật > MỘT VÀI TRAO ĐỔI VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC

MỘT VÀI TRAO ĐỔI VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC

Học tập là quá trình chủ động nên thầy không thể học thay trò. Tuy nhiên, với phương pháp dạy học truyền thống như từ trước đến giờ vẫn áp dụng thì quá trình học của sinh viên vẫn mang tính thụ động, do vậy hiệu quả của việc dạy và học chưa cao. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo chuyển đổi theo hướng giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm. Đây là một phương pháp giảng dạy mới làm người học có khả năng tự học và giúp thời gian trên lớp được sử dụng có hiệu quả hơn.
Giảng dạy theo phương pháp tích cực là gì ?

Giảng dạy theo phương pháp tích cực thực chất là tiếp thu mọi tinh túy của phương pháp giảng dạy truyền thống, đồng thời tích cực hóa việc giảng dạy và nhất là việc học tập của học sinh, sinh viên lên mức tối đa.

Để áp dụng, trước hết cần có sự nhìn nhận đúng đắn về giảng dạy tích cực. Có người hiểu phương pháp giảng dạy tích cực là phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, phương pháp đóng vai, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp thực hành, phương pháp thí nghiệm, phương pháp Cémina, phương pháp hội thảo,… Hiểu như vậy không sai nhưng chưa toàn diện và rất khó vận dụng vào thực tiễn. Lại càng không thể áp dụng một trong các phương pháp trên trong mọi tình huống và coi đó là giảng dạy tích cực. Giảng dạy tích cực thực chất là tích cực hoá sinh viên trong giờ học, tuỳ theo mức độ hợp tác của sinh viên, công tác chuẩn bị của giảng viên, trình độ giảng viên, thói quen học tập của sinh viên mà tổ chức dạy học tích cực nhiều hay ít để phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Vậy làm sao để tích cực hóa sinh viên?

Thói quen lười tư duy trong quá trình học đã tồn tại cố hữu trong sinh viên. Có một thực tế là đã qua rồi cái thời thầy đọc trò ghi, thầy nói gì trò chép nấy vì bây giờ giáo trình, tài liệu tham khảo khá đầy đủ. Thay vào đó là hình thức thầy giảng trò nghe, mà có nghe hay không thì thật ra giáo viên cũng không biết chắc, vì nhiều sinh viên vẫn nhìn thầy chăm chú nhưng tâm hồn thì đang thơ thẩn nơi nào. Rất ít sinh viên hào hứng trả lời các câu hỏi mà giáo viên đặt ra. Nhiều sinh viên không làm trước bài tập ở nhà mà đến lớp mới làm. Những tiết học đầu giờ buổi chiều và những tiết cuối sinh viên thường mất tập trung nên hiệu quả giờ giảng thấp. Sự thiếu tích cực trong học tập của sinh viên cũng đã làm giảm sự nhiệt tình trong giảng dạy của giáo viên và như vậy việc dạy và học trở nên nhàm chán và mang tính đối phó.

Để thay đổi thói quen này tuy không phải là dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được. Và hơn ai hết, chính chúng ta, những người thầy, người cô phải là người khởi xướng sự thay đổi đó. Bản thân tôi cũng đã thử nghiệm phương pháp dạy tích cực cho một chương trong nội dung môn học và kết quả cho thấy nếu chúng ta khởi xướng và có biện pháp thúc đẩy, đánh giá tốt thì khả năng tự học của sinh viên sẽ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều cần có thời gian để thích nghi, không nên thay đổi đột ngột mà cần phải tiến hành từ từ, đồng bộ thì mới đem lại hiệu quả cao.

Theo quan điểm và kinh nghiệm của bản thân, khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, chúng ta nên tập trung vào những vấn đề sau:

1. Giáo trình:

Theo dạy học tích cực, người học phải nghiên cứu tài liệu trước khi lên lớp nên giáo trình là công cụ không thể thiếu. Giáo trình phải được viết sao cho người học có thể tự học được. Trong giáo trình chỉ nên đưa những kiến thức cốt lõi, còn những kiến thức nâng cao người học sẽ đọc ở tài liệu tham khảo. Khi viết giáo trình phải nắm vững mục tiêu của học phần, mục tiêu của từng bài thì mới nêu bật được nội dung cần thiết và mới có cách viết phù hợp, đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, để giáo trình trở thành giáo trình tự học.
Đối với các môn học thuộc chuyên ngành kế toán, tài chính, rất nhiều môn đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành (làm bài tập), do vậy, cần xây dựng hệ thống bài tập đa dạng từ cơ bản đến nâng cao để sinh viên có thể ứng dụng lý thuyết đã nghiên cứu từ mức thấp đến cao.

2. Áp dụng các biện pháp tích cực hóa sinh viên trước và trong giờ học.

– Để việc đọc tài liệu của sinh viên có hiệu quả, giáo viên nên đưa ra trước các câu hỏi, yêu cầu sinh viên nghiên cứu tài liệu để trả lời những câu hỏi đó. Việc làm này sẽ giúp sinh viên nghiên cứu một cách trọng tâm, đúng mục tiêu của bài học. Đối với môn học có bài tập thì nên yêu cầu làm các bài tập phù hợp sau từng nội dung nghiên cứu.

– Khi lên lớp:

+ Yêu cầu sinh viên trình bày lại các vấn đề đã nghiên cứu để kiểm tra mức độ hiểu bài của sinh viên (trả lời các câu hỏi đã cho trước). Nên khuyến khích sinh viên trình bày các vấn đề theo ý hiểu, tránh để sinh viên nói lại các vấn đề của bài học như học thuộc lòng mà không nắm được bản chất của vấn đề.
+ Sau đó, giáo viên giảng giải những vấn đề mà sinh viên hiểu chưa đúng và giải đáp các thắc mắc cho họ. Nếu đủ điều kiện thì tổ chức thảo luận ngắn để làm rõ các vấn đề thuộc về bản chất.

Để thúc đẩy sinh viên hăng hái tham gia học tập (trình bày, phát biểu ý kiến, sửa bài tập) nên cho điểm khuyến khích đối với các sinh viên tích cực xây dựng bài. Ngược lại, cũng cần cho điểm phạt nếu sinh viên không chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Có vậy mới tích cực hóa sinh viên trong quá trình học.

3. Đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên đối với mỗi học phần cần phải đáp ứng được 2 mục tiêu, đó là đo lường kết quả học tập của sinh viên để phân loại học tập và giúp sinh viên học tốt hơn. Muốn vậy, công tác ra đề kiểm tra, đề thi và thang điểm phải được đầu tư tốt, cụ thể:

– Khi ra đề, trước hết cần phải dựa vào chuẩn đầu ra đã xây dựng (KAS).

– Nên hạn chế việc kiểm tra trí nhớ đơn thuần, theo kiểu học thuộc lòng mà không hiểu bản chất vấn đề. Chẳng hạn, thay vì hỏi “Biến phí là gì?” thì hỏi “Biến phí giảm khi mức độ hoạt động tăng ”, đúng hay sai? Giải thích?

– Cần chú trọng kỹ năng tổng hợp, phân tích và thực hành của sinh viên. Chẳng hạn, đối với phần bài tập, đề thi (môn học đang giảng dạy) được ra theo số báo danh trong phòng thi của sinh viên, như vậy, mỗi sinh viên sẽ có một đáp án khác nhau. Cách ra đề này đã hạn chế được việc copy của sinh viên và đòi hỏi sinh viên phải học, phải làm bài tập thì mới biết cách làm bài kiểm tra và bài thi.

– Đề thi hoặc đề kiểm tra cũng không nên ra quá khó hoặc quá dễ vì như vậy sinh viên sẽ không biết được mình đang đứng ở mức độ nào để phấn đấu. Rõ ràng, khi đi học, điểm luôn là mối quan tâm hàng đầu của sinh viên, có tác dụng khuyến khích các em chăm chỉ, chuyên cần học tập. Vì vậy, nó cần được sử dụng làm đòn bẩy thực sự trong dạy học tích cực.

Trong điều kiện giảng dạy, chúng ta chỉ có đủ thời gian đào tạo cho sinh viên những phần kiến thức cốt lõi (phần kiến thức phải học) của ngành nghề. Do vậy, để không lãng phí thời gian trên lớp, chúng ta cần rèn luyện cho sinh viên có khả năng tự học, tự phát triển. Một khi sinh viên tự khám phá ra tri thức mới thì các em sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Điều này không chỉ tốt cho các em khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn hữu ích ngay cả khi các em đã ra trường, làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào thì cũng luôn phải học và tự học suốt đời thì mới có thể đáp ứng, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn đối với giáo viên thì niềm say mê học tập của sinh viên luôn truyền cảm hứng cho các thầy cô giảng dạy hăng say và nhiệt tình hơn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc đổi mới giảng dạy theo hướng tích cực hóa sinh viên là thực sự cần thiết.

Ths. Đặng Thị Tâm Ngọc
(Nguyễn Thị Ngọc Lan – Khoa KHCB, sưu tầm)

Trả lời

EnglishVietnamese