Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Tin giáo dục > Đã đến lúc cần phổ cập đại học nghề?

Đã đến lúc cần phổ cập đại học nghề?

Ngày đăng tin 20/02/2014 

Đại học (ĐH) nghề đáp ứng hài hòa hai đòi hỏi: mong muốn của các gia đình có con cháu học ĐH và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trình độ cao cho nền kinh tế. Xây dựng chương trình đào tạo sao cho khi ra trường người học có khả năng làm việc như thợ lành nghề nhưng lại có bằng ĐH, các kỹ sư thực hành được quyền học lên thạc sĩ, tiến sĩ là điều có thể nghĩ tới trong giai đoạn này. Có như vậy hoạt động đào tạo nghề mới đi vào đi vào thực chất, những người lao động trực tiếp làm ra sản phẩm cho xã hội mới thật sự được tôn vinh.

Xu thế Đại học nghề
Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, các nghề bình thường: Đánh máy chữ, sửa chữa đồng hồ, điện báo viên, trực tổng đài…không thể thiếu được trong hoạt động xã hội. Khi máy vi tính trở nên thông dụng, ai biết sử dụng máy tính cũng có thể đánh văn bản nên nghề đánh máy chữ mai một dần. Tương tự, ngày nay, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, có thể dùng đồng hồ hoặc điện thoại di động để xem giờ, có thể dùng điện thoại di động thay cho máy ảnh, và nghề sửa chữa đồng hồ cơ và sửa chữa máy ảnh cũng đang dần biến mất, v.v.. Người lao động muốn tồn tại phải được đào tạo để có khả năng thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ, để nhanh chóng phù hợp với nghề mới, công việc mới và tương ứng với mỗi chức danh có thể có nhiều trình độ đào tạo khác nhau chứ không phải cứ như nếp nghĩ cũ chỉ có một trình độ đào tạo duy nhất.

Do đó, ngày nay trình độ ĐH không chỉ dành riêng cho tầng lớp “thầy” còn đối với “thợ” thì đó là “vùng cấm”. Cũng không phải cứ đào tạo tiếp “thợ” lên trình độ ĐH là chuyển họ lên đẳng cấp “thầy”, dẫn tới tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như mọi người vẫn nói lâu nay.
Xu thế phát triển giáo dục đại học hiện đại thường có hai loại hình là: ĐH nghiên cứu (tinh hoa) và ĐH ứng dụng (đại học nghề). Tại Việt Nam, nhiều bạn trẻ dù rất yêu thích thực hành, ứng dụng nghề nhưng lại bị các quan điểm xã hội phải học đại học để không “chân lấm tay bùn” nên đã “nhắm mắt đưa chân” vào học ĐH nghiên cứu (tinh hoa), với những nghề nghiệp khác xa đam mê của mình.
Trong đề án tái cấu trúc nền giáo dục ĐH Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận ra vấn đề trên và nêu rõ cần tập trung nhiều hơn vào hệ thống các trường đào tạo kỹ năng thực hành. Nếu như công việc nghiên cứu đòi hỏi người học phải có một quá trình tìm hiểu, làm việc lâu dài với sách vở, các công trình nghiên cứu khoa học thì ĐH ứng dụng chủ yếu sử dụng các kết quả đó để thực hiện cho công việc cụ thể. Với dạng ĐH ứng dụng, người học có thể dùng ngay các kiến thức được học cho công việc sẽ cảm thấy rất hứng thú, vì khối lượng lí thuyết và thời gian “ăn ngủ” trong thư viện sẽ không quá nhiều, thay vào đó là thời gian được trải nghiệm thực tế đúng theo chuyên ngành. Khi ra trường cơ hội làm việc sẽ rộng mở hơn vì đã có kinh nghiệm thực tế tích lũy trong quá trình học.
Đáng tiếc rằng cho đến nay (tháng 2-2014), Việt Nam chưa xây dựng được trường ĐH nghề theo đúng nghĩa chuẩn quốc tế.
Không nên “hoảng sợ” khi quá nhiều học sinh muốn học đại học
Quan niệm nhiều người tốt nghiệp ĐH sẽ dẫn đến “thừa thấy thiếu thợ” chỉ đúng khi số sinh viên tốt nghiệp ĐH nghiên cứu (tinh hoa) vượt quá yêu cầu của thị trường tuyển dụng. Thanh niên đi học ĐH nghề nhằm tiếp thu công nghệ cao đề làm giàu cho bản thân và đất nước mình đang trở nên phổ cập trên phạm vi toàn thế giới.
Cần phải thay đổi lại nhận thức về “thầy” và “thợ”. Quan niệm “thầy” là người lao động gián tiếp làm ra của cải vật chất còn “thợ” là người lao động trực tiếp không phù hợp trong nền kinh tế trí thức. Nếu thay đổi được nhận thức như trên thì không cần thiết phải triển khai rầm rộ phân luồng học sinh một cách cực đoan, không nên “hoảng sợ” khi quá nhiều học sinh muốn học đại học. Nếu như phát triển hệ thống ĐH nghề, truyền thống hiếu học của người Việt sẽ tiếp tục được tỏa sáng, điều đặc biệt xã hội sẽ không còn lo “thừa thầy thiếu thợ”. Sẽ không còn tình cảnh các thạc sĩ (dạng tinh hoa) thất nghiệp quay lại học trung cấp nghề để xin việc. Những thanh niên có sở trường theo nghề ứng dụng muốn được làm “thầy” không nhất thiết phải theo học lên ĐH (tinh hoa) mà sẽ học ĐH nghề phù hợp.

Kỳ II: Làm thế nào để người thợ vừa lành nghề vừa có bằng ĐH
Theo PGS.TS. NGÔ TỨ THÀNH (ĐH Bách khoa Hà Nội)
nguồnhttp://tcdn.gov.vn

Trả lời

EnglishVietnamese