Theo đề án số 32/2010/QĐ-TTg: Trong giai đoạn 2010 – 2020 đào tạo mới và đào tạo lại 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ở nước ta. Ngành CTXH là ngành mới được đào tạo trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Mặc dù từ năm 2004, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình khung đào tạo ngành CTXH bậc ĐH và CĐ nhưng phải tới năm 2010 khi Đề án 32 của Chính phủ về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 được ban hành mới tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển nghề CTXH.
Theo mục tiêu của đề án, trong giai đoạn 2010-2020 sẽ tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH với tổng kinh phí thực hiện là 2.347,4 tỷ đồng; đạt chỉ tiêu mỗi xã/phường/thị trấn có ít nhất từ 1-2 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.
Theo Thông tư số 34/2010/TT- BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH với các chức danh:
1. Công tác xã hội viên chính: Mã số 24.291
2. Công tác xã hội viên. Mã số 24.292
3. Nhân viên CTXH. Mã số 24.293
Có thể coi đây là bước khởi đầu mở ra một nghề mới đầy triển vọng trên thị trường lao động. Theo chương trình đào tạo, sinh viên có thể theo học từ trình độ trung cấp, cao đẳng nghề, đại học đến thạc sĩ ngành CTXH. Các sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH có rất nhiều cơ hội việc làm: như tại các cơ quan của ngành lao động – thương binh từ cấp xã, phường trở lên, các tổ chức phi chính phủ hoặc các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội đáp ứng cho các đối tượng xã hội khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội; các công ty lớn có nhu cầu về bảo trợ xã hội…
Tuy nhiên, trên thực tế thì nhu cầu nhân lực của ngành này lại luôn nằm trong thực trạng thiếu hụt, chưa đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Cả nước hiện có khoảng 40 trường ĐH, CĐ, TC đào tạo chuyên ngành này, tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên/năm. Trong khi đó, những đối tượng cần tới sự can thiệp, giúp đỡ của nhân viên CTXH lại rất đa dạng và phức tạp. Hiện nay, số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội chiếm khoảng 28% dân số của cả nước, bao gồm:
– 7,5 triệu người cao tuổi
– 5,4 triệu người khuyết tật
– 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
– 180.000 người nhiễm HIV được phát hiện
– 170.000 người nghiện ma tuý
– 15.000 người bán dâm
– 1,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội
– 22% gia đình có bạo lực
– 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau
– 12% số hộ gia đình nghèo
Trong khi đó đội ngũ các nhân viên được đào tạo về CTXH hiện nay còn rất hạn chế (khoảng 20%), chủ yếu là học qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, hoặc chủ yếu được dịch chuyển từ những ngành nghề khác, vì thế trong khoảng vài năm tới đây nhu cầu nhân lực ngành CTXH sẽ là rất lớn, đây là cơ hội tuyệt vời cho các bạn sinh viên yêu thích và lựa chọn ngành này.
( Nguyễn Lành tổng hợp)