1. Sứ mạng: Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có năng lực đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ, chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế, trong đó lấy đào tạo nhân lực các lĩnh vực cơ giới, cơ khí, điện, máy thi công làm trọng điểm. Thực hiện nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ kỹ thuật vào giảng dạy và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế xã hội địa phương và khu vực. Vận hành hệ thống quản trị hiện đại và nâng cao năng lực tự chủ.
2. Tầm nhìn
– Giai đoạn 2021 – 2025
Trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, đào tạo đa cấp, đa ngành, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế, đối với các nghề trọng điểm, chuyển giao. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế xã hội của địa phương và đất nước.
– Giai đoạn 2026 – 2030
Tiếp tục xây dựng và phát triển Trường trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế, có hệ thống quản trị hiện đại, nâng cao năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế – xã hội địa phương và khu vực. Mở rộng các nghề trọng điểm, nghề chất lượng cao.
3. Hệ thống giá trị cơ bản
Các giá trị cốt lõi của Nhà trường được xây dựng trên nền tảng:
– Chất lượng – hiệu quả: Nhà trường luôn đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu trong mọi hoạt động phát triển. Định hướng phát triển đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV
– Đổi mới và sáng tạo: Nhà trường xây dựng môi trường làm việc, học tập thân thiện; tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ, viên chức, HSSV đổi mới và sáng tạo trong các hoạt động, đặc biệt là trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
– Đoàn kết: Tập thể cán bộ, viên chức luôn đoàn kết, nhất trí vì sự phát triển của Nhà trường. Luôn sẵn sàng hợp tác trong công việc, chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
– Hợp tác và thân thiện: Nhà trường luôn mở rộng hợp tác đào tạo với tất cả các đối tác trong nước và quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ. Quan hệ hợp tác trên nền tảng bình đẳng,
– Trung thực và trách nhiệm: Sản phẩm của đào tạo giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo ra người lao động có tay nghề, có đạo đức, trung thưc, trách nhiệm. Vì vậy đòi hỏi đội ngũ cán bộ, viên chức luôn phải trung thực, gương mẫu, trách nhiệm trong mọi công việc và cuộc sống để HSSV noi theo.
4. Mục tiêu chiến lược
4.1. Mục tiêu chung
Phát triển Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế; là cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, có hệ thống quản trị hiện đại, nâng cao năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế xã hội địa phương và đất nước.
4.2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2021-2025: Trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, có năng lực đào tạo đa ngành, đa cấp trình độ, chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế đối với các nghề trọng điểm, chuyển giao, với các mục tiêu cụ thể sau:
– Thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW, với mục tiêu đến năm 2025 giảm từ 16 đơn vị trực thuộc xuống còn 13 đơn vị trực thuộc Trường.
– Về hệ thống quản trị Nhà trường: 100% các hoạt động quản lý của Nhà trường được ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm hiện đại, đảm bảo các dữ liệu có khả năng đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu kết nối/chuyển dữ liệu theo quy định; sẵn sàng đào tạo trực tuyến phù hợp với nội dung chương trình đào tạo, nhu cầu người học.
– Về quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo
+ Quy mô tuyển sinh:
Trình độ cao đẳng: 1.350 sinh viên;
Trình độ trung cấp: 4.750;
Trình độ sơ cấp: 10.000 học viên.
+ Quy mô đào tạo: Tiếp tục duy trì và ổn định quy mô ở mức 3.500-4.000 HSSV học chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có ít nhất 30% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm.
+ Ngành nghề đào tạo: Tiếp tục củng cố và phát triển các nghề đào tạo thế mạnh, truyền thống của trường. Ưu tiên phát triển các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia. Mở mới nghề Chăn nuôi thú y với trình độ đào tạo sơ cấp, trình độ trung cấp.
– Về đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên
+ 100% cán bộ quản lý của trường được đào tạo và được cấp chứng chỉ nghiệp vụ quản lý dạy nghề; 100% sử dụng thành thạo vi tính, 20% sử dụng được một ngoại ngữ thông dụng trong giao dịch, làm việc.
+ 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
+ Có 50% giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
+ 50% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ theo tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao.
+ Có 10% nhà giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
– Về kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng
+ Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, duy trì công tác kiểm định chất lượng trường ở cấp độ 3 và chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao.
+ 100% chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
+ Thực hiện kiểm định đánh giá ngoài chương trình đào tạo 02 nghề cấp độ khu vực ASEAN (Vận hành máy thi công nền, Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí); 02 nghề cấp độ quốc gia (Kỹ thuật chế biến món ăn, Sửa chữa máy thi công xây dựng).
– Về ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến
+ 35% nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo, bài giảng của chương trình đào tạo các nghề trọng điểm trình độ trung cấp, cao đẳng được chuyển đổi số hóa.
+ Đưa vào sử dụng 01 thư viện điện tử phục vụ công tác giảng dạy, học, nghiên cứu khoa học.
+ Có ít nhất 5% chương trình vào hệ thống đào tạo qua mạng (Elearning).
– Về tài chính và nâng cao năng lực tự chủ của Nhà trường
Nâng cao năng lực tự chủ, thực hiện đa dạng hóa nguồn tài chính, hoạt động theo cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp, nâng cao mức thu nhập cho cán bộ, giảng viên. Đảm bảo về đời sống vật chất và tinh thần để cán bộ giảng viên yên tâm cống hiến, tâm huyết với nghề nghiệp.
b) Giai đoạn 2026-2030: Là cơ sở giáo dục có uy tín trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế, có hệ thống quản trị tốt, có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nhân lực phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế – xã hội địa phương và đất nước.
– Về quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo
+ Quy mô tuyển sinh:
Trình độ cao đẳng 1500 sinh viên;
Trình độ trung cấp: 5000;
Trình độ sơ cấp: 10.000 học viên.
+ Quy mô đào tạo: Duy trì và ổn định quy mô đào tạo ở mức 4000 HSSV học chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có ít nhất 50% học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm.
– Ổn định và tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn tiếp cận với trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận với trình độ quốc tế, trong đó:
+ Có trên 60% nhà giáo có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
+ Có trên 60% nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm theo cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ theo tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao.
+ Có 15% nhà giáo đạt giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia.
– Ngành nghề đào tạo: Tiếp tục đào tạo các nghề hiện có; mở rộng thêm nghề Cơ điện tử trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và mở rộng đào tạo nghề chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực ASEAN-4 và tiếp cận trình độ quốc tế. Có 2 – 3 ngành nghề có học sinh sinh viên tốt nghiệp được các tổ chức giáo dục đào tạo khu vực và quốc tế uy tín đánh giá và công nhận văn bằng, chứng chỉ.
– Về kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng
+ Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, duy trì công tác kiểm định chất lượng trường ở cấp độ 3 và chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao theo quy định.
+ Thực hiện kiểm định đánh giá ngoài chương trình đào tạo 03 nghề cấp độ quốc tế (Điện công nghiệp; Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại).
– Về ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến
+ Tiếp tục hiện đại hoá công tác quản trị nhà trường; Chủ động thực hiện chuyển giao công nghệ mới, dịch vụ khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
+ 70% nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo, bài giảng của chương trình đào tạo các nghề trọng điểm trình độ trung cấp, cao đẳng được chuyển đổi số hóa.
+ Đưa vào sử dụng 01 thư viện điện tử phục vụ công tác giảng dạy, học, nghiên cứu khoa học.
+ Có ít nhất 7% chương trình vào hệ thống đào tạo qua mạng (Elearning).
– Tự chủ nhân sự và bộ máy tổ chức, đơn vị bảo đảm tự chủ từ 20% đến 30% chi thường xuyên.
Dưới đây là một số hình ảnh Đổi mới, phát triển về Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình


