Theo các kế hoạch đào tạo, cứ vào những ngày hè, sau khi kết thúc học văn hóa, học sinh từ các Trung tâm đều trở về trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình để rèn luyện kỹ năng nghề. Đây chính là cơ hội để các em được đích mục sở thị và trực tiếp trải nghiệm những kiến thức cũng như kỹ năng mà các em đã được học.
Học sinh từ các Trung tâm như Trung tâm giáo dục thường xuyên Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô… đều học đa dạng các ngành nghề. Trường CĐN Cơ giới Ninh Bình cứ đến dịp hè lại không hề tĩnh lặng như quy luật của các trường học. Bởi lẽ, ngoài lý do trường liên tục tuyển sinh và có nhiều đợt nhập học khác nhau, còn bởi thời điểm này chính là đợt để học sinh các Trung tâm chính thức trở về trường học tập.
Tại xưởng nấu ăn, các cô học trò TTGDTX Yên Mô và TTGDTX Gia Viễn đang say mê tiếp nhận kiến thức, thử nghiệm tay nghề, tích lũy kinh nghiệm trong tiếng lách cách dao thớt và sự phong phú của mùi vị. Trong trang phục bộ đồ đầu bếp cũng chính là đồng phục của các em, các cô cậu trở nên chững chạc, linh hoạt khác thường. Nguyễn Hữu Thắng, Vũ Hồng Sơn, Cao Duy Thanh Trường tại TTGDTX Gia Viễn cho biết khi sắp chính thức về trường học thực hành, các em rất thích thú, hồi hộp và háo hức xen cả một chút lo lắng. Thích thú bởi vì các em sẽ trực tiếp được khám phá môi trường mới, được trực tiếp làm các món ăn, được ở ký túc xá vừa miễn phí vừa được tự lập, làm chủ chính cuộc sống của mình. Các cô bé, cậu bé thích nhất là được ăn, ngủ cùng những người bạn thân của mình để tha hồ được tỉ tê, giãi bày tâm sự của lứa tuổi nhất quỷ, nhì ma này. Còn lo lắng là bởi lần đầu tiên các em như những con chim non, phải xa gia đình.
Học sinh Vũ Hồng Sơn K45 TTGDTX Gia Viễn còn cho biết: “Bọn em đi thế này bố mẹ lo và hôm nào cũng gọi điện dặn đủ điều, nào là ăn uống cho điều độ, không được chơi bời và không được suốt ngày đánh điện tử. Trong khi bọn em học thực hành cả ngày, tối về, mới 10 giờ kém cổng ký túc xá đã đóng thì làm sao đi đâu chơi bời được ạ. Ăn uống thì đóng tiền cho căng tin ngay khuân viên KTX, đến bữa là xuống ăn có khi còn đúng giờ hơn ở nhà ấy chứ”. Cô bé xinh xắn Đỗ Thị Linh K45 của TTGDTX Yên Mô còn tiết lộ: “Các bạn nam còn ít khi dám bày trò nghịch ngợm gì vì thi thoảng các thày ở Phòng Quản sinh lại lên thăm rồi kiểm tra các phòng”.
Khi được hỏi, về trường học thực hành điều các em thích thú nhất là gì. Cô Lương Thị Thu Hà, giáo viên mầm non và cũng chính là học viên thuộc TTGDTX Gia Viễn, cùng các em đồng thanh trả lời: “Thích nhất là được học các kỹ năng nghề, được trực tiếp chế biến, được tạo ra các sản phẩm cuối cùng và được tận hưởng thú vui về cái quyền được nếm món ăn đầu tiên…”
Sau một thời gian học thực hành, học sinh đã bắt đầu biết làm một số các món ăn Âu, món ăn Á như làm bánh quy, làm kem caramen, cá kho tộ, thịt kho tàu, thăn lợn cuốn phomat… Qua những ngày này, các em đã thực sự hiểu thêm
học nấu ăn còn là một sự trải nghiệm, trải nghiệm cảm giác của niềm vui. Nó không chỉ là một nghệ thuật mang đến cho người làm cảm xúc khi được thưởng thức những hương vị đa dạng, mà đó là cả một công việc đầy sáng tạo. Nấu ăn không chỉ đảm bảo giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm mà cũng phải thỏa mãn cả năm giác quan. Tính thẩm mĩ cũng là yếu tố không thể quên ngay ở mặt trình bày sản phẩm đã hoàn thành. Sự hài hòa và tương phản của mùa sắc nơi món chính với rau, củ, hoa tỉa trang trí… cũng chính là sự tăng vị ngay cho nhãn quan người thưởng thức. Một món ăn không hề đơn thuần chỉ là một vị, mà là đa vị. Chất mặn pha với chất ngọt lại không quên chất chua… Tất cả được pha trộn nhuần nhuyễn đầy thú vị. Món Dê tái chanh, một món ăn đặc sản truyền thống của đất Ninh Bình, ngoài vị ngọt thơm, bùi ngậy đầy quyến rũ của thịt dê được hấp tái
Còn có ớt cay, chuối chát, dứa chua, lá sung bùi, sả thơm ngát và vài loại rau thơm hấp dẫn… được cuốn lại, chấm trong bát tương sóng sánh ánh vàng pha gừng cùng vài loại gia vị khác. Như vậy, một món ăn đem lại cho người thưởng thức 5, 6 vị khác nhau, mà tất cả đều hài hòa, không vị nào lấn vị nào.
Ngoài ra, học nấu ăn còn là sự tích lũy những kinh nghiệm quý. Vì thế, các HS luôn tranh thủ sổ sách để ghi chép sự truyền nghề đầy ý nghĩa của thày cô. Nguyễn Hữu Thắng , học sinh K45 của TTGDTX Gia Viễn, đã phần nào trang bị cho mình “ít vốn liếng” bí quyết nấu nướng. Anh chàng còn nhanh nhảu chia sẻ bí quyết cho cô giáo khác chuyên ngành, khi biết chiều này cô sẽ chế biến món cá kho tộ: “ Để cá không còn tanh và hết được độ nhớt, phải lấy muối và giấm xoa đi xoa lại vào mình cá sao cho hết độ trơn. Khi kho cá không được đậy vung, không được đổ nước lạnh vào nồi cá kho đang sôi để cho cá không bị tanh và thịt cá còn nở ra”.
Cô bé duyên dáng Đỗ Thị Linh, học sinh TTGDTX Yên Mô, còn khoe cô đã về nhà và làm món cá khô tộ cùng thịt kho tàu để đãi cả nhà. Mẹ cô rất khen và bảo vị của món cô làm đầy lôi cuốn, hoàn toàn khác với món kho tàu, chỉ cho thêm gói gia vị Kno, đã là đặc sản, mà các cụ ở nhà vẫn hay làm. Các em đều khẳng định sự thú vị và niềm tin chắc chắn khi lựa chọn học luôn nghề, khi đang ngồi học văn hóa tại các Trung tâm. Và thích thú hơn cả là được trải nghiệm thực hành nghề rồi sẽ sinh nhai với sự lựa chọn đúng đắn của mình. Học sinh Đỗ Thị Linh cho biết “Các anh chị khóa 44 ở TT GDTX Yên Mô đã học thực hành nghề tại trường từ năm ngoái, còn vẫn thích được học nữa. Anh Đức Anh, chị Phượng ở Yên Mô còn lên tận trường thăm xưởng và thăm chúng em nữa”.
Truyền những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để học sinh thành nghề là trách nhiệm của mỗi giáo viên. Nhưng quan trọng hơn đó là việc truyền được ngọn lửa yêu nghề cho các em…
Thu Hằng