Những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình, tiền thân là trường dạy nghề cơ giới Ninh Bình (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã trải qua một bước tiến dài với nhiều giai đoạn thăng trầm. Thầy và trò nhà trường đã vượt qua khó khăn, xây dựng trường ngày càng lớn mạnh trở thành một địa chỉ đào tạo nghề tin cậy của nhiều học sinh, sinh viên.
Thạc sỹ Lưu Đình Hướng, Hiệu phó nhà trường cho biết: Nhiều năm qua, Trường đã kiên trì thực hiện các chương trình lớn, đó là: Phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật và đón đầu công nghệ mới; tăng cường trang thiết bị dạy và học phù hợp với tình hình mới; đa dạng hoá các loại hình đào tạo; mở thêm nhiều ngành, nghề mới đáp ứng yêu cầu của ngành và xã hội; tăng cường công tác quản lý học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường văn hoá…
Chất lượng đào tạo cũng từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng đội ngũ, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học đã được nhà trường đặc biệt quan tâm, đầu tư đúng mức. Ngoài việc thu hút, tuyển dụng thạc sỹ và các sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi về trường công tác, Nhà trường đã làm tốt công tác quy hoạch và có các hình thức động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên của Trường tham gia dự thi các lớp đào tạo sau đại học, cao học. Hiện tổng số cán bộ, giảng viên, công nhân viên của nhà trường là 158 người, trong đó 15% giảng viên có trình độ thạc sỹ và có 6 người đang học cao học. Cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được kiện toàn, củng cố.
Trường đang xây dựng đề án nâng cấp trở thành Trường Đại học Công nghệ thực hành Ninh Bình vào năm 2018. Theo đề án, diện tích của Trường sẽ được mở rộng lên tới 20 ha (hiện nay là 11 ha) và như vậy đến năm 2020, trung bình mỗi năm Trường sẽ đào tạo trên 10.000 học sinh, sinh viên. Đến thời điểm này, các hạng mục như: Nhà học đa năng, phòng thực hành, ký túc xá đã và đang được phê duyệt, thi công đáp ứng yêu cầu mở rộng và phát triển của Trường.
Thời gian gần đây, bằng nội lực và sự đầu tư của Bộ NN và PTNT, Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ tốt hơn công tác dạy và học. Năm 2007, nhà trường đã đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng nhà thực hành. Hiện nay, nhà thực hành đã được đưa vào sử dụng, gồm dãy nhà 3 tầng với 16 phòng thực hành. Ngoài ra, nhà trường đang khẩn trương thi công khu ký túc xá với diện tích 3.000 m2 (đáp ứng 1/3 nhu cầu của học sinh, sinh viên); trên 18.000 m2 bãi tập lái xe và trên 9.000 m2 khu giáo dục thể chất.Trường đã thực hiện kết nối mạng Internet để phục vụ công tác giảng dạy, học tập, quản lý đào tạo bằng Tin học. Nét mới của Trường trong năm học này đó là đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo thế chủ động cho học sinh. Khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có để phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy học, tránh việc cung cấp kiến thức đơn thuần. Năm học 2008-2009, nhà trường tuyển 4.500 học sinh, sinh viên, trong đó 1.000 chỉ tiêu hệ cao đẳng với 6 ngành đào tạo, 3.500 chỉ tiêu hệ trung cấp, sơ cấp với 15 ngành đào tạo.
Bên cạnh đó, Trường còn liên kết với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và Trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) để đào tạo các lớp đại học tại chức các ngành: Kế toán doanh nghiệp, xây dựng, công nghệ ôtô, kỹ thuật điện. Cũng trong năm học này, qua khảo sát nhu cầu của học sinh và thị trường lao động, nhà trường đã liên kết với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội mở lớp trung cấp nghề kỹ thuật chế biến món ăn cho 120 học sinh.
Ngoài hàng chục mã ngành đã và đang đào tạo các bậc sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, năm học này trường có thêm 2 mã ngành đào tạo mới, đó là cao đẳng kế toán doanh nghiệp và lập trình máy tính với chỉ tiêu gần 200 sinh viên. Đặc biệt, năm học này, Trường còn là 1 trong 4 đơn vị trong cả nước được mở khoa sư phạm nghề kỹ thuật (với 50 học viên). “Sư phạm nghề kỹ thuật” là khoa đào tạo về kỹ năng sư phạm cho các nghệ nhân, giáo viên dạy nghề phục vụ giảng dạy trong các trường nghề, làng nghề…
Có thể thấy, việc xây dựng đề án để thành lập Trường Đại học Công nghệ thực hành Ninh Bình vào năm 2018 là điều kiện để Ninh Bình và các khu vực lân cận phát triển mạnh công tác đào tạo nghề theo định hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài. Mặt khác, cũng củng cố thêm vị thế của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo – dạy nghề, cho thấy trường có khả năng tự lập về đào tạo nguồn nhân lực từ trung cấp lên cao đẳng và đại học. Đồng thời đây cũng là cơ hội để nhà trường tăng cường quan hệ hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường, ngoài việc tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên thì trường cần sớm được đầu tư bổ sung các thiết bị kỹ thuật, máy móc hiện đại… phục vụ dạy và học tốt hơn. Trong thời gian tới, Trường rất cần sự quan tâm, ủng hộ của cấp trên để sớm được mở rộng diện tích phù hợp với quy mô và sự phát triển của nhà trường.
(Trích dẫn trên báo Ninh Bình)