Một thực tế phổ biến hiện nay là với đa phần giới trẻ, các trường nghề chỉ được coi là lựa chọn cuối cùng khi giấc mơ gõ cửa các trường đại học của họ không đạt được.
Trong Kỳ thi tay nghề thế giới diễn ra từ ngày 5 – 17/8 tại Brazil, Việt Nam đã lần đầu tiên đạt huy chương sau 5 lần tham dự. Ngoài huy chương Đồng, đoàn Việt Nam còn đạt 8 chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc, trong đó các nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, phay CNC, hàn đều là lần đầu tiên Việt Nam cử thí sinh tham dự thi. Ngày 19/8 các em đã về nước.
Thí sinh Nguyễn Duy Thanh của Việt Nam (thứ nhất từ phải qua ) đạt huy chương trong Kỳ thi tay nghề thế giới
Thông tin này, xét về mức độ quan tâm trên báo chí cũng như trong dư luận chắc chắn thua xa thông tin về các thủ khoa đại học, các đoàn học sinh Olympic quốc tế hay ngay cả kỳ thi đường lên đỉnh Olympia. Nhưng đối với những người trăn trở về tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, cũng như câu chuyện năng suất lao động ở VN thì đây thực sự là một tin tức đáng hồ hởi.
Tan giấc mơ đại học mới học nghề
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) từng đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm[1]. Tháng 9/2014, Báo Lao động dẫn đánh giá của tổ chức này cho hay, chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và những kỹ năng được trang bị thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường[2]. Thiếu hụt lực lượng công nhân có trình độ tay nghề cao là lo ngại của đa số DN nước ngoại tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2014 cả nước có 1.465 cơ sở dạy nghề, tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, phổ biến dưới hình thức các trung tâm đào tạo, trường trung cấp hay cao đẳng nghề[3]. Một thực tế phổ biến hiện nay là với đa phần giới trẻ, các trường nghề chỉ được coi là lựa chọn cuối cùng khi giấc mơ gõ cửa các trường đại học của họ không đạt được. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Yếu tố trước tiên là nhận thức. Dường như chúng ta vẫn bị chìm đắm trong quan niệm học nghề để phục vụ cho những công việc thiên về thể lực, chân tay, ít đòi hỏi sáng tạo, nghiên cứu. Trên thực tế, học nghề cũng giống như học bất cứ một chuyên môn nào đòi hỏi phải có năng khiếu, sự say mê, tinh thần học hỏi nghiêm túc, tác phong chuyên nghiệm, cần mẫn. Đó tuyệt đối không được coi là giải pháp tình thế hay bắt buộc. Nhận thức này phần nào bị tô đậm bởi định kiến về trường nghề từ số đông vốn từ lâu bị ám ảnh bởi quan niệm coi đại học là con đường duy nhất để mở ra một tương lai sáng sủa hơn.
Không khó khăn gì để nhận ra sự quan tâm nhiệt thành của dư luận hay giới truyền thông đến kết quả các kì thi quốc tế về Toán học, Vật lý trong khi dường như có một sự thờ ơ không hề nhỏ với thành tích của các cuộc thi tay nghề. Sự phân biệt đối xử này liệu có nên tiếp tục tồn tại?
Xét về phương diện hỗ trợ vật chất, các trường nghề cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, đa phần mới đáp ứng được chừng 50% quy mô đào tạo (theo một tính toán năm 2011) trong khi trang thiết bị lại quá cũ kĩ. Chỉ cần nhìn vào diện mạo trường lớp, người ta dễ dàng nhận ra có một sự khác biệt đáng kể giữa các trường nghề và trường cao đẳng đại học khác.
Không thể coi là “chiếu dưới”
Về mặt nhận thức, cần phải coi lao động nghề, sinh viên các trường nghề là một lực lượng ưu tú chứ không phải là nhóm “chiếu dưới”. Trên thực tế, lao động chuyên môn cao nhiều khi có đóng góp cụ thể, thiết thực và dễ đo lường hơn vào sự phát triển kinh tế so với cử nhân, tiến sỹ.
Vị thế, đóng góp của họ phải được ghi nhận, hỗ trợ, biểu dương bằng những hành động cụ thể. Có thể lấy ví dụ về chính sách đãi ngộ, chính sách học liên thông nâng cao hay việc tài trợ thành lập các hiệp hội nghề. Sẽ là không công bằng khi có quá nhiều hội dành cho các nhà khoa học hàn lâm trong khi hàng triệu lao động nghề lại thiếu những diễn đàn thực sự hiệu quả cho mình.
Thiếu hụt lao động có tay nghề là thực trạng cần được ưu tiên hơn so với nhu cầu “xã hội hóa” việc đào tạo cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Con số gần 178.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp được đưa ra gần đây đáng để chúng ta nghiêm túc nhìn lại giấc mơ phổ cập giáo dục… bậc cao này.
Đào tạo nghề cũng là đào tạo “nguyên khí” cho quốc gia trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Vì thế việc đầu tư trường lớp, trang thiết bị dạy học cần phải được đầu tư tương xứng. Mỗi cá nhân có điểm mạnh về năng lực khác nhau và chừng nào cùng đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nước nhà, chừng ấy họ phải được tôn trọng như nhau.
Khó có thể chấp nhận khi những tiến sỹ áo cổ cồn cả đời không có đóng góp gì cụ thể lại được ưu ái hơn so với biết bao lao động miệt mài đổ mồ hôi và cả trí óc cho những sản phẩm hữu hình, phục vụ nhu cầu thiết thực cho xã hội.
Không thể hội nhập khi thiếu “thợ”
Câu chuyện về việc đào tạo được hàng vạn kỹ sư mà không làm nổi cái ốc vít từng nóng không chỉ trên báo chí mà cả nơi nghị trường của Quốc hội. Có doanh nghiệp nước ngoài phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập thiết bị từ nước khác về lắp ráp tại Việt Nam và họ chờ đợi các nhà sản xuất trong nước có thể tự sản xuất những thiết bị này.
Thực tế này đặt ra việc cần thiết tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Nhưng điều này không chỉ đòi hỏi máy móc, công nghệ, vốn… mà đi kèm với nó phải là những lao động có tay nghề.
Cá nhân tôi tin rằng nếu chỉ với những cải cách đúng hướng, sự đầu tư thích đáng và chính sách đãi ngộ hợp lý, lao động nghề của Việt Nam mới có thể cải thiện được hiệu quả làm việc, đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Nhất là khi, xét về nguồn nhân lực, chúng ta không hề thua kém các nước trong khu vực khi sở hữu hàng triệu nhân công trong độ tuổi lao động.
Cứ mỗi lần nghe đâu đó về việc sáng chế của những nhà khoa học “hai lúa” được mày mò lắp ráp thủ công, bằng thiết bị chắp vá nhưng có tính ứng dụng cao, cá nhân tôi lại tự hỏi hàng vạn kỹ sư, tiến sỹ chúng ta đang làm gì? Hàng nghìn cơ sở đào tạo nghề đang hoạt động hay vẫn chìm trong giấc ngủ đông?
Nguyễn Công Thảo
——-
[1] Thừa bằng cấp, thiếu trình độ cao! , Dân trí, 24/07/2015 .
[2] Một người Singapore làm việc bằng 15 người Việt Nam, Báo Lao động, 04/09/2014.
[3] Bộ lao động thừa nhận nguồn nhân lực thiếu chuyên môn, chất lượng kém, Báo Giáo dục, 23/01/15.