Đang đọc
Trang chủ > Nội dung nổi bật > Giáo viên chủ nhiệm lớp – đâu là bí quyết của thành công?

Giáo viên chủ nhiệm lớp – đâu là bí quyết của thành công?

Quản lý lớp học luôn là nhiệm vụ cơ bản của giáo viên mà Ban Giám hiệu  cùng các cấp quản lý của trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình luôn quan tâm. Nhiều Hội nghị hay các cuộc trao đổi, thảo luận  đã diễn ra vì tính hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ này.

          Trong công tác chủ nhiệm lớp có rất nhiều giáo viên đã thành công và nhiều năm liền, lớp của họ được xếp loại thi đua cao trong Nhà trường. Tiêu biểu như thày Phạm Ngọc Hoàn, thày Đỗ Văn Đang, thày Trương Đình Điệp, cô Đỗ thị Nhung… Cuộc trò chuyện hôm nay với thày Trương Đình Điệp, cô Đỗ thị Nhung để nhằm mục đích chia sẻ những bí quyết, những kinh nghiệm của họ trong công tác quản lý lớp học. Qua đây, West side Nhà trường cũng hy vọng sẽ là diễn đàn để các thày cô trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp… góp phần giúp cho sự phát triển của Nhà trường.

*BTV: Ngay từ khi mới nhận lớp, thày cô đã có biện pháp cụ thể thế nào nhằm đảm bảo việc quản lý lớp được tốt?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Ngay từ khi mới thành lập lớp, nên tổ chức một buổi họp lớp. Vừa để làm quen vừa tạo môi trường thân thiện, gần gũi. Đưa ra những lợi ích khi học tập nghề của các em, làm cho các em cảm thấy hứng thú với ngành nghề mà mình lựa chọn.

Lắng nghe các chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của các em về việc lựa chọn ngành nghề, trong thời gian học cũng như sau khi ra trường. Từ đó, nắm bắt được tâm lý của các em. Cố gắng nhớ tên một số em nhanh nhẹn, nhiệt tình, cũng như một số em cá biệt để thuận tiện trong qúa trình quản lý.

Xin số điện thoại của từng HS và gia đình. Đưa ra 1 số các quy định chung, các hình thức khen thưởng và các hình thức kỷ luật để các em định hình được nhiệm vụ của mình trong qúa trình học tập.

* Thày Trương Đình Điệp: Còn đối với tôi, trong buổi họp lớp đầu tiên ngoài những việc tôi làm giống cô Nhung, tôi còn bầu ra ban cán sự lớp tạm thời  để có nhân lực quản lý lớp. Tôi nói rõ nhiệm vụ của từng người trong BCS lớp và cũng khẳng định chính lớp sẽ bầu BCS chính thức sau một thời gian các em học tập.

* BTV: Nhiều GV cho rằng để quản lý lớp tốt thì việc lựa chọn bộ máy ban cán sự là yếu tố quan trọng, vậy thày, cô đã lựa chọn BCS của lớp mình như thế nào?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Lựa chọn được BCS tốt, đó chính là cánh tay đắc lực của GVCN. Các GVCN cần chú ý quan sát HS kỹ trong khoảng thời gian đầu để lựa chọn. Cán sự lớp phải có năng lực, nhanh nhẹn và có tiếng nói, có lòng tin của bạn bè. Những em đó sẽ làm tốt được nhiệm vụ. Khi đã bầu chọn được BCS rồi thì nên tuyên bố trước tập thể lớp những nghĩa vụ, quyền hạn và quyền lợi của BCS để BCS làm việc có trách nhiệm. Cả lớp cũng hiểu được vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với tập thể. Sau đó, GVCN sẽ dựa vào chính lực lượng cán bộ lớp để điều hành lớp.

* BTV: Thày, cô đã tổ chức quá trình tự quản cho HSSV lớp mình ra sao?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Để tổ chức quá trình tự quản thì cần tìm hiểu đặc điểm của từng cá nhân HS. Từ đó, dựa vào BCS để quản lý, GVCN vừa phối hợp và tư vấn cho ban cán sự cách quản lý từng cá nhân cũng như toàn thể lớp. Tạo ra mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên với nhau và hướng cho các em hiểu được vai trò của mình đối với tập thể, rèn luyện ý thức tập thể.  Từ đó, các em sẽ tự giác chấp hành và tuân theo sự chỉ dẫn của BCS thông qua sự điều hành của GVCN.

* Thày Trương Đình Điệp: Còn tôi, tôi duy trì thường xuyên sinh hoạt lớp 1 tuần1lần. Mỗi lần sinh hoạt đều đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cụ thể cả BCS lẫn HS trong lớp

* BTV: Hiện tượng một số học sinh hay bỏ học, nhất là HS hệ 9/12, vẫn diễn ra ngay trong các trường phổ thông hay trong các trường nghề. Trường CĐN Cơ giới Ninh Bình do quản lý học sinh tốt, nên hiện tượng này ít hơn. Theo thày, cô lý do nào để HSSV ko bỏ học?

*Thày Trương Đình Điệp: Học sinh hay bỏ học là do nhiều nguyên nhân và cũng có rất nhiều giải pháp để ngăn chặn. Đó có thể là Nhà trường liên tục trang bị những thiết bị dạy học hiện đại, tạo ra nhiều hoạt động ngoại khóa, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để gây an tâm và hứng thú cho HS. Ngoài ra, cũng nên thường xuyên nâng cao chất lượng gíao viên. Điều này, hiện nay, trường ta đang thực hiện rất tốt, tạo thuận lợi cho chúng tôi giúp các em say mê học hành, bỏ quên những thói quen xấu như hay bỏ học.

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Theo tôi để HS không bỏ học thì nên tìm hiểu kỹ về tâm tư, nguyện vọng của các em. Khi các em bắt đầu hình thành tư tưởng chán học thì thầy cô nên quan tâm, hỏi han trực tiếp hoặc thông qua bạn bè để hiểu được nguyên nhân thực sự. Từ đó, khuyên nhủ, giúp đỡ hoặc cùng các em tháo gỡ những khó khăn. Như vậy, sẽ giảm được tình trạng này.

* BTV: Thày cô đã có biện pháp cụ thể nào để thúc đẩy phong trào thi đua học tập ở các em?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Cần tìm hiểu thêm mức độ học tập của các em thông qua các GV bộ môn. Thường xuyên biểu dương các em trước tập thể lớp trong các giờ sinh hoạt. Đối với những HS chưa chịu khó thì không nên nặng lời mà nên khuyên nhủ và luôn cho các em thấy niềm tin của GVCN đối với các em. Như vậy, các em sẽ có động lực cố gắng. Ngoài ra, cũng nêu những tấm gương về đạo đức, học tập của đàn anh khóa trước, để các em noi theo và hiểu rằng dù đang hay đã học xong thầy, cô vẫn luôn quan tâm. Và sự phấn đấu của các em ngày hôm nay sẽ lại là tấm gương sáng cho các em học sinh khóa sau…

* Thày Trương Đình Điệp: Còn tôi, tôi tìm những HS học khá kèm những HS học yếu. Biểu dương, phê bình kịp thời với sự cố gắng hay chây lười của HS.

 

* BTV: Thày, cô đã khuyến khích tập thể lớp tham gia các hoạt động ngoại khóa như thế nào?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Do các em đang tuổi trẻ ham chơi nên phải đánh đúng tâm lý, hướng các em tham gia các hoạt động ngoại khóa lành mạnh. Tìm hiểu từng khả năng để khuyến khích các em tham gia vào hoạt động văn nghệ, TDTT. Ngay trên lớp, có thể tranh thủ các giờ giải lao, chia đội chơi những trò chơi đố vui nho nhỏ do các em tự sưu tầm câu hỏi, hoặc những ngày lễ tết thi hát theo chủ đề, tổ chức đá bóng, bóng chuyền ngoài giờ học… Như vậy, các em sẽ thấy hứng thú với những ngày lên lớp vì các em luôn được sống trong môi trường tập thể vui vẻ và đoàn kết.

* Thày Trương Đình Điệp: Tôi thường khuyến khích, động viên để cả lớp cùng tham gia. Nhất là những HS hay sống cô lập hoặc hay bỏ học. Từ đó, các em thích thú và gắn bó hơn với trường học, với tập thể. Mặt khác, chính GVCN cũng nên tham gia các hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức và cùng kêu gọi các em đi cổ vũ. Đây chính là điểm khởi đầu của sự gắn bó nói trên.

* BTV: Theo thày cô, Nhà trường nên có biện pháp gì để thúc đẩy hơn nữa vai trò của GVCN trong công tác quản lý lớp học?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung, Thày Trương Đình Điệp: Nên đưa ra những hình thức khen thưởng và kỷ luật rõ ràng hơn đối với GVCN. Nếu GVCN không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì cần đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý để mỗi GVCN có trách nhiệm hơn vì hiện nay có nhiều GVCN chưa coi việc chủ  nhiệm 1 lớp là 1 nhiệm vụ. Tuy nhiên cần phải có chế tài hợp lý với từng đối tượng người học, cụ thể đối với từng hệ 9/12 thì có các tiêu chí đánh giá khác hệ 12/12. Vì trình độ đầu vào  ảnh hưởng nhiều đến ý thức của HS.

* BTV: Trong công tác chủ nhiệm lớp của mình, có kỉ niệm nào đáng nhớ nhất với các thày, cô?

* Cô giáo Đỗ Thị Nhung: Tôi ấn tượng nhất kỷ niệm về một em học TCN9 Điện CN, do tôi chủ nhiệm.

          Em là một HS rất đặc biệt trong lớp. Em khôi ngô, viết chữ đẹp nhưng rất lạ, không bao giờ nói chuyện với bất cứ ai trong lớp. Thỉnh thoảng thấy em thở dài và ngồi buồn một mình trong những giờ ra chơi. Tôi tò mò hỏi bạn bè trong lớp thì các em khác đều nói “nó dở hơi ấy mà cô”. Một lần tôi gọi em lại và và tỉ tê hỏi chuyện em. Và dần dà em đã kể cho tôi nghe về hoàn cảnh GĐ em.  Thì ra em lúc nào cũng mặc cảm vì hoàn cảnh đặc biệt của mình. Nghe xong, tôi rất thương và tôi thường xuyên hỏi thăm, giúp đỡ gia đình em. Từ đó, em sống cởi mở với bạn bè hơn, em coi tôi như một người thân thiết và sẵn sàng chia sẻ với tôi mọi điều. Bây giờ khi em đã ra trường nhưng em vẫn thường xuyên gọi điện tham khảo ý kiến của tôi trong mọi công việc. Tôi thực sự hạnh phúc vì đã được chứng kiến em trưởng thành nên từng ngày. Đó là một niềm hạnh phúc thật sự của riêng tôi và cũng là một kỷ niệm vô cùng sâu sắc đối với tôi trong công tác làm giáo viên chủ nhiệm.

* BTV: Cảm ơn các thày, cô vì cuộc trò chuyện thú vị này. BBT hy vọng sẽ tiếp tục có những sự chia sẻ kinh nghiệm về mọi lĩnh vực khác của các thày cô trong toàn trường, nhằm góp phần nhỏ bé của West side trong việc nâng cao chất lượng của GV trong trường.

Thu Hằng (thực hiện)

Trả lời

EnglishVietnamese