Đang đọc
Trang chủ > Nội dung nổi bật > Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022.

Sáng ngày 10/10/2022, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã tổ chức lễ Khai mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022.

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc (được tổ chức định kỳ 03 năm/lần) nhằm tạo nên phong trào nghiên cứu sâu rộng trong công tác thiết kế, chế tạo, cải tiến trang thiết bị đào tạo, phục vụ cho công tác giảng dạy; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước; qua đó phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Sau Hội thi, các thiệt bị đào tạo tự làm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao sẽ được lựa chọn để phổ biến, nhân rộng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để góp phần hạn chế tình trạng thiếu hụt thiết bị giảng dạy và học tập…

BTC tặng cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự hội thi thiết bị đào tạo thiết bị tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022  có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 381 thiết bị của 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 4 nhóm nghề: Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (với 177 thiết bị chiếm 46%); Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (98 thiết bị chiếm 26%); Máy tính và Công nghệ thông tin (30 thiết bị chiếm 8%); Tổng hợp (76 thiết bị chiếm 20%). Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng Giám khảo Hội thi với 60 thành viên, chia thành 12 Tiểu ban.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng. Hội thi năm nay không chỉ tăng về số lượng mà còn được nâng cao về chất lượng. Nhiều thiết bị tự làm đã đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo và được sử dụng tối đa trong quá trình giảng dạy của các trường, phù hợp với điều kiện thực tiễn và ứng dựng khoa học công nghệ thời kỳ 4.0.

Tham gia Hội thi, Đoàn tỉnh Ninh Bình có 06 thiết bị thuộc 05 nhóm ngành nghề:  Kỹ thuật hàn; Chế tạo thiết bị cơ khí; Công nghệ ô tô; Điện tử tự động hoá; Điện công nghiệp. Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình tham gia đoàn Ninh Bình với 03 mô hình, thiết bị: Mô hình thực hành PLC- Mạng truyền thông công nghiệp (Điện công nghiệp) Mô hình thực hành, kiểm tra, sửa chữa PAN hệ thống điện động cơ phun xăng trực tiếp và Mô hình thiết bị đào tạo hệ thống điều hoà tự động hai vùng độc lập trên ôtô (Công nghệ ôtô) được Ban Tổ chức, Ban giám khảo Hội thi đánh giá cao và công nhận 03/03 mô hình, thiết bị đạt giải, trong đó có 01 giải Nhất, 02 giải Khuyến khích.

Trong thời gian tới ngành giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy phong trào thi đua nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các thiết bị đào tạo và để hoạt động này thực sự trở thành công việc thường xuyên trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đề xuất hàng năm dành một phần kinh phí để hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tự sản xuất thiết bị đào tạo và định kỳ sẽ tổ chức các hoạt động để động viên, tôn vinh các tác giả đã đạt giải nhằm phát huy, sử dụng thật tốt các thiết bị đào tạo tự làm có giá trị.

Khép lại thành công tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm Toàn quốc lần thứ VII. Hẹn gặp lại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VIII tổ chức tại thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng vào năm 2025.

Một số hình ảnh của đoàn:

Tin, bài: Trung Kiên

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]