Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Tin giáo dục > Khôi phục các trường nghề

Khôi phục các trường nghề

Trước thực trạng học sinh không muốn học nghề, gây lãng phí lớn cho xã hội, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu từ năm 2010 đến 2020, phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề

“Hiện nay, vấn nạn đối với ngành GD-ĐT, xã hội trong công tác phân luồng là hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT có nhu cầu vào ĐH, CĐ;  tỉ lệ học sinh có nhu cầu vào trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) rất hạn chế”. Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, nhận định tại hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT” do Bộ GD-ĐT tổ chức vào sáng 11-9, tại TPHCM.

 

Chỉ có 3,1% học sinh THCS học trường nghề

Hiện nay, dù cả nước có 723 trường TCCN; 239 trường CĐ, ĐH đào tạo TCCN; trên 1.000 trung tâm giáo dục thường xuyên, 306 trường đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ; 700 trung tâm dạy nghề, 256 trung tâm kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp rải đều trong cả nước nhưng số học sinh tốt nghiệp THCS và THPT theo học nghề và TCCN rất thấp.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ TCCN – Bộ GD-ĐT, cho biết trong năm 2007-2008, chỉ có 3,1% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở dạy nghề và 1,8% học TCCN. Trong khi đó, có khoảng 405.500 học sinh tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ (chiếm 43,8%), 280.903 học sinh vào TCCN (chiếm 30,3%). Có đến 156.000 học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không vào học trong các cơ sở nghề. Đặc biệt, tỉ lệ học sinh theo học các chương trình liên quan đến ngành nông, lâm, thủy sản tương đối thấp, chỉ khoảng 4%. Trong khi tỉ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực này chiếm đến 50,2% và tỉ lệ dân số vùng nông thôn là 72,56%. Điều này chứng tỏ việc chọn ngành nghề của học sinh chưa được định hướng gắn với đặc điểm kinh tế – xã hội và thị trường lao động địa phương.

“Mỗi năm, số thanh niên chưa được đào tạo nghề nghiệp tăng lên hàng trăm ngàn người, tạo ra sự lãng phí lớn cho xã hội. Nếu những học sinh này được học nghề từ sớm, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn”- ông Hoàng Ngọc Vinh nói.

Hướng nghiệp yếu kém

Nguyên nhân của việc phân luồng khó khăn, đặc biệt là việc đào tạo nghề và TCCN, theo ông Hoàng Ngọc Vinh là do công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn yếu, thiếu đội ngũ am hiểu về hướng nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hiến cho biết hiện nay, giáo viên của Trung tâm Tổng hợp Hướng nghiệp tỉnh Bình Thuận không được đào tạo về chuyên môn, tác nghiệp. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công tác tư vấn hướng nghiệp còn thiếu thốn, các trung tâm phải chắt chiu kinh phí để mua sắm, tự tìm kiếm tài liệu để sử dụng.

Ông Hoàng Ngọc Vinh cho biết hiện nay, nhiều trung tâm dạy nghề được đầu tư kinh phí để mua sắm trang thiết bị, máy móc nhưng phải chất vào kho, không có phòng thực hành để triển khai, tổ chức đào tạo.

Ông Phan Đình Lai, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho rằng học phí thấp, kinh phí đào tạo thấp dẫn tới chất lượng đào tạo thấp nên không ai muốn học.

Về phía cơ sở đào tạo, tâm lý chung lại ngại tiếp nhận đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS. Theo ông Vũ Tiến
Cát, Trưởng Phòng Giáo dục Thường xuyên – Chuyên nghiệp tỉnh Khánh Hòa, nếu tiếp nhận đối tượng này, cơ sở đào tạo phải cần thêm giáo viên dạy văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí của các cơ sở rất hạn chế nên khó “gánh” thêm phần này.

Tái cơ cấu hệ thống giáo dục

Trước thực trạng khó khăn, bế tắc của công tác phân luồng hiện nay, Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu từ năm 2010 đến 2020, phải thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Trong đó, các giải pháp cấp bách được nêu ra là phải thay đổi nhận thức của xã hội, đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề, TCCN ở những vùng khó khăn.

Đặc biệt, phải tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để tạo ra con đường, cơ hội học tập suốt đời cho người dân. Trong đó, phải khôi phục các trường trung học nghề, trung học kỹ thuật ở những địa phương có nhu cầu cao về phân luồng học sinh và nhu cầu về nhân lực; định hướng cho các địa phương xây dựng cơ sở giáo dục sau trung học đa cấp, đa ngành tại địa phương trên cơ sở quy hoạch lại các trường CĐ, TCCN, trung cấp nghề, CĐ nghề, CĐ sư phạm; phát triển mạnh các trường CĐ cộng đồng tại địa phương, ưu tiên phát triển ở những vùng kinh tế – xã hội còn gặp nhiều khó khăn; quy hoạch mạng lưới các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên, giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp, hình thành trường dạy nghề hoặc trung học nghề cấp huyện ở những nơi có nhu cầu…

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ dành nguồn vốn thích đáng cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp ở những vùng khó khăn…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:

Rà soát lại chương trình hướng nghiệp

Để công tác phân luồng tốt, các doanh nghiệp nên có trách nhiệm hỗ trợ với ngành GD-ĐT, đặc biệt là giáo dục nghề, để tạo điều kiện cho các em thực hành, tham quan tại các xí nghiệp, nhà máy. Các cơ sở đào tạo phải rà soát lại chương trình hướng nghiệp để phù hợp với từng địa phương. Giáo viên hướng nghiệp phải được đào tạo dài hạn để nâng cấp về chuyên môn. Bên cạnh đó, phải rà soát lại cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy nghề, giáo viên dạy nghề phải đạt chứng chỉ quốc gia. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH xây dựng chuẩn hóa chương trình, sử dụng chương trình khung để nâng cao chất lượng đào tạo…

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]