Thầy Nguyễn Văn Nhiu, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình cho biết: Qua 40 năm hình thành và phát triển, Trường đã đào tạo trên 60.000 công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ giới, cơ điện cho ngành NN& PTNT, đáp ứng cơ bản nhu cầu xã hội và là địa chỉ tin cậy học nghề lập nghiệp của thanh niên.
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Trường, phong trào hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được duy trì thường xuyên, rộng khắp. Các thế hệ giáo viên nhà trường luôn tích cực, sáng tạo trong công tác giảng dạy, quản lý, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm đồ dùng dạy học phù hợp ngành học, kết hợp với mua sắm đảm bảo cho tất cả các khoa nghề không còn tình trạng dạy chay, học chay, nhờ đó mà chất lượng đào tạo hàng năm được nâng lên. Mấy năm gần đây học sinh tốt nghiệp ra trường đạt tỷ lệ 98,7%, trong đó có từ 35-37% là khá giỏi; 2 năm (2006, 2008), Trường có 25 học sinh đoạt giải trong 2 kỳ thi nghề cấp tỉnh, Bộ và Quốc gia. Đồ dùng dạy học tự làm của nhà trường tham gia triển lãm, dự thi đã giành được nhiều giải cao.
Năm 2005, tại hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ 2 tại Đồng Nai, Trường có 8 thiết bị dự thi thì 7 thiết bị đoạt giải (1 giải nhì và 6 giải ba). Năm 2009, nhà trường có 7 giải pháp hữu ích, sáng kiến cải tiến kỹ thuật đăng ký dự thi sáng tạo kỹ thuật Ninh Bình lần thứ IV thì có 3 giải pháp đoạt giải khuyến khích và 3 sáng kiến đoạt giải cấp tỉnh.
Ông Ninh Đức Hùng, tác giả chính của sáng kiến “Ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế phần mềm quản lý thu tiền học phí trong nhà trường” cho biết: Xuất phát từ tình hình số lượng học sinh học tại Trường ngày một đông lên (năm 2000 chỉ có 700 học sinh, năm 2008 lên tới 4.500 học sinh), nên việc thu học phí của học sinh trên phần mềm cũ (Excel) không còn phù hợp, tốn công sức lại chậm và dễ sai sót. Phần mềm mới này có ưu điểm là đơn giản, dễ làm, tính chính xác cao, tốn ít nhân lực, tra cứu tìm kiếm thông tin nhanh, dữ liệu an toàn, lưu trữ độc lập… Sử dụng phần mềm này chi phí về nhân lực sẽ giảm đi 5 lần so với việc sử dụng phần mềm cũ, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 144 triệu đồng.
Với sáng kiến “Mô hình điện – điện tử của xe Huyndai”, thầy giáo Trần Tuấn Anh, tác giả chính của sáng kiến cho biết: Ngành công nghệ ô tô có khoảng gần 200 học sinh theo học. Các mô hình điện, điện tử của xe Zil 130, Uóat… không còn phù hợp với nội dung chương trình dạy học và sự phát triển của các phương tiện ngày nay. Mô hình mới cho thấy toàn bộ hệ thống điện ô tô, học sinh xem có thể nắm được cấu tạo các bộ phận, nguyên lý làm việc, cách đấu dây, kiểm tra và sửa chữa hệ thống điện, xác định được những hư hỏng, từ đó có biện pháp khắc phục nhanh; dựa vào đây học sinh có thể áp dụng phân tích các mạch điện của các loại xe đời mới ở Việt Nam. Về hiệu quả sử dụng mô hình tự làm này tiết kiệm được khoảng 40 triệu đồng/mô hình cho nhà trường, mặt khác nó còn thúc đẩy phong trào làm học cụ, kích thích tính tư duy của học sinh và tạo cho họ tính cẩn thận và lòng yêu nghề.
Được biết, Sở Khoa học – Công nghệ thời gian qua đã hỗ trợ tích cực các hoạt động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiên kỹ thuật của nhà trường, từ việc đăng ký đề tài, xây dựng đề tài đến tổ chức thực hiện, nhất là việc xét duyệt công nhận đề tài. Hàng năm, bước vào đầu năm học nhà trường lại tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của hoạt động sáng tạo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trên cơ sở đó tổ chức đăng ký đề tài, sáng kiến thực hiện. Trường coi đây là một trong những tiêu chuẩn để bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng các cấp. Các đề tài đoạt giải các cấp, ngoài phần thưởng theo quy định dự thi còn được nhà trường thưởng thêm, tạo không khí thi đua, phấn khởi, động viên phong trào phát triển.
Đinh Chúc
Báo ninh bình online