Phần lớn các trường đào tạo nghề của nước ta hiện nay mới chỉ quan tâm đến đầu vào, chưa chú trọng đầu ra nên học viên ra trường yếu tay nghề và thiếu kỹ năng làm việc.
Để giải quyết bài toán này, Tổng cục Dạy nghề đang triển khai chương trình sư phạm nghề tiếp cận trình độ quốc tế cho đội ngũ giáo viên các trường nghề.
Chưa đạt chuẩn quốc tế
Với đà tăng trưởng GDP khoảng 8%/năm cho giai đoạn 2011-2019, cả nước mỗi năm cần khoảng 1,2 – 1,6 triệu LĐ (cả giai đoạn cần khoảng 27,5 triệu người), trong đó khoảng 55% số LĐ có tay nghề. Để đáp ứng nhu về nguồn nhân lực có tay nghề, không cách nào khác là phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngay từ thời điểm này. Theo ông Nguyễn Văn Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, hiện nay các trường nghề đang đào tạo khoảng 300 nghề, nhưng chưa có nghề nào đạt chuẩn quốc tế.
Giai đoạn 2010-2020, tổng cục sẽ xây dựng khoảng 100 nghề trọng điểm, trong đó 50 nghề sẽ đạt chuẩn khu vực và thế giới. Để thực hiện được điều này, Tổng cục Dạy nghề đang tổ chức những lớp thí điểm về dạy theo modul chuẩn nghề quốc tế. Tổng cục Dạy nghề giao cho một số trường biên soạn giáo trình theo tiêu chuẩn Anh và Đức. Trước mắt sẽ mở những lớp dạy chương trình thí điểm cho giáo viên trường nghề. Những giáo viên đã được đào tạo trong chương trình này sẽ áp dụng vào giảng dạy tại cơ sở của mình.
Hiện tại, Tổng cục Dạy nghề đã giao cho Trường CĐ Nghề Lilama 2 thí điểm phối hợp với City & Guilds biên soạn giáo trình theo tiêu chuẩn nghề của Anh và sắp tới sẽ giao cho một trường ở Nam Định biên soạn giáo trình theo tiêu chuẩn của Đức. Đã có 22 giáo viên (học viên) đầu tiên do Lilama 2 phối hợp với City & Guilds đào tạo tốt nghiệp và được nhận bằng của Tổ chức giáo dục City &Guilds.
Rào cản tiếng Anh
Cái khó của giáo trình quốc tế là phải có trình độ tiếng Anh nhất định mới theo học được, trong khi đội ngũ giáo viên nghề của chúng ta trình độ tiếng Anh vẫn còn rất hạn chế. Theo đại diện của Trung tâm thi chứng chỉ TOEFL, mới đây có 70 giáo viên nằm trong chương trình sư phạm nghề 1106 của Tổng cục Dạy nghề dự thi kiểm tra trình độ tiếng Anh, thì chỉ có 4 người đạt trình độ trung cấp, 20 người đạt trình độ trên sơ cấp, còn lại khoảng 68 – 70% dưới sơ cấp.
Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lilama 2 Lê Văn Hiền, chương trình dạy nghề tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế giữa Lilama 2 và City & Guilds biên soạn sẽ dạy theo 4 modul. Modul tiếng Anh chuyên ngành chiếm thời lượng 80 tiết, chủ yếu là những thuật ngữ kỹ thuật, nên dễ tiếp cận. Bà Nguyễn Thị Ngân – giáo viên dạy tiếng Anh của chương trình 1106 – cho biết, giáo trình của City & Guilds và Lilama 2 có minh họa sinh động, tạo cho người học dễ nhớ và nhớ được lâu. Tuy nhiên theo bà Hằng, để những học viên còn yếu về môn tiếng Anh theo học kịp, chương trình tiếng Anh nên tăng lên 90 tiết.
Theo ông Hiền: “Phần lớn giáo trình sư phạm nghề cũ áp dụng theo kiểu giáo viên đọc, học viên chép, khi về nhà người học quên hết kiến thức. Chương trình sư phạm nghề nghiệp tiếp cận quốc tế của đề án 1106, lấy người học làm trọng tâm. Chính người học là người đưa sáng kiến của mình, sau đó cùng với nhóm học và giáo viên chủ nhiệm thảo luận theo tổ. Sáng kiến của ai tốt, khả thi sẽ được áp dụng ngay vào thực hành”.
Ông Dũng cho biết: “Chương trình vẫn còn trong thời gian lấy ý kiến, nhưng để có một đội ngũ người thợ có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tổng cục khuyến khích các trường mạnh dạn đưa vào áp dụng ngay từ thời điểm này”.
Đăng Hải – laodong.com.vn