Học tập và ôn thi luôn là vấn đề lớn nhất đối với các em học sinh cũng như các anh chị sinh viên. Có nhiều bạn cho rằng, những bạn thành công trong học tập đơn giản vì họ sinh ra đã thế, đã thông minh. Điều này chỉ đúng với một số ít, còn lại thực tế những bạn thành công, đạt điểm cao trong những kì thi đều là kết quả của sự nỗ lực, sự cố gắng trong cả quá trình học tập.Và đặc biệt trong quá trình học tập, ôn thi, nếu không có phương pháp học tập khoa học, không có cách sắp xếp thời gian hợp lí, không có lòng quyết tâm chinh phục đỉnh cao tri thức thì kết quả học tập, kết quả thi sẽ không như mong muốn.
Lên kế hoạch và phân chia thời gian cho từng môn học một cách hợp lí
Luôn có kế hoạch cụ thể trong từng tuần học, từng môn học, hay cho một mục tiêu cụ thể nào đó. Viết bảng phân chia thời gian cho các công việc cần làm khi ôn thi từng môn học như một thời gian biểu. Môn học có lượng kiến thức lớn, quan trọng thì dành nhiều thời gian hơn. Đồng thời bạn phải biết kết hợp với giáo trình, các nguồn tài liệu khác để làm bài thi của các bạn với kiến thức phong phú hơn. Căn cứ vào bảng phân chia thời gian đã vạch ra và phải thực hiện nghiêm túc.
Đặt mục tiêu cụ thể
Cần xác định rõ mục tiêu trong quá trình học tập, ôn thi. Mục tiêu càng rõ ràng, kế hoạch càng chi tiết bao nhiêu thì việc thực hiện càng dễ dàng bấy nhiêu. Biết đặt mục tiêu vừa sức cũng là một yếu tố quan trọng. Vạch ra những mục tiêu không thực tế chỉ khiến mình chuốc lấy thất bại mà thôi.
Không ôn thi một cách nhồi nhét trong thời gian ngắn
Nhiều bạn có thói quen “Nước đến chân mới nhảy”. Chỉ đến cuối kì khi chuẩn bị thi mới ra sức học, thức đến 2,3 giờ sáng cốt để nhồi nhét kiến thức vào đầu. Điều này chỉ khiến cơ thể suy nhược, và khả năng ghi nhớ kém.
Luôn xem các ghi chú trước khi bắt đầu một công việc.
Để làm được điều này chắc chắn phải có kỹ năng ghi chép trên lớp một cách khoa học, rõ ràng. Trên từng bài học, ghi rõ luận điểm, luận cứ, những vấn đề cần lưu ý để khi về nhà xem lại các ghi chú chúng ta biết được cần làm gì để hoàn thành công việc nhanh nhất, chính xác nhất.
Đảm bảo không bị làm phiền khi ôn thi
Đây là giai đoạn cần tập trung cao độ để ghi nhớ nội dung ôn tập, và ghi nhớ bài học. Vì vậy tránh bị làm phiền, tránh các yếu tố tác động từ bên ngoài để ghi nhớ tốt hơn.
Biết cách ghi nhớ hiệu quả
Ghi thành dàn bài:
Trước tiên bạn đọc toàn bài môn bạn đang học. Ðến lúc bạn nắm chắc yêu cầu bài mới thôi. Sau đó, tóm tắt bài đó thành 1 dàn bài đại cương gồm nhiều mục như 1, 2, 3; trong các mục này lại có các ý nhỏ hơn được đánh dấu bằng a, b, c… Mỗi mục này bạn đều phải đặt tiêu đề cho nó.
Nhẩm trong óc:
Hệ thống bài bằng cách “nhẩm trong óc” nhẩm từng phần một của dàn bài, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem lại.
Bạn cứ tiếp tục nhẩm sang phần khác và đừng quên các phần quan trọng đáng ghi nhớ, đừng bỏ sót một chi tiết nào. Lần lượt như vậy cho đến hết toàn bài.
Bạn tìm ý những chỗ quên, sót để rồi học lại cho nhuần nhuyễn.
Ghi ra giấy:
Nhất là những công thức, những định lý, định đề. Khi ghi, bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, sao cho khi mở trang giấy ra nhắc nhở lại bạn hệ thống bài học bằng trí nhớ mà không cần mở sách.
Hãy giữ tâm lý thỏa mái và một sức khỏe tốt.
Tâm lý và sức khỏe là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ôn thi của mình, do vậy phải luôn phải giữ tâm lý của bản thân được thỏa mái và một sức khỏe tốt. Bên cạnh thời gian học tập cũng nên dành thời gian cho cơ thể và bộ óc mình được thỏa mái. Hãy tham gia các hoạt động hay vui chơi để giải tỏa căng thẳng, áp lực. Đồng thời, cũng nên có những chế độ ăn dinh dương bảo đảm một sức khỏe tốt để học tập và ôn thi.
Đinh Hồng (Tổng hợp)