“Người trẻ nếu đàng hoàng, nghiêm túc trong học tập thì chắc chắn, cơ hội thành công của họ trong công việc sau này sẽ lớn hơn. Họ sẽ hạnh phúc hơn với một tinh thần thoải mái và phong phú về vốn sống” – lời khuyên của Tiến sĩ 7X Đàm Quang Minh dành cho bạn trẻ. Tiến sĩ địa chất Đàm Quang Minh. Với tấm bằng tiến sĩ địa chất loại giỏi của trường ĐHTH Greifswald (CHLB Đức), sẽ là rất “đúng bài” nếu như Đàm Quang Minh lựa chọn con đường trở thành nhà khoa học hoặc tiếp tục đứng trên bục giảng. Thế nhưng anh lại quyết định dấn thân theo đuổi một công việc mà “vốn liếng” lớn nhất chỉ là niềm đam mê: hoạt động giáo dục.
Học địa chất, làm giáo dục
Đàm Quang Minh là một “người quen” trên các diễn đàn giáo dục từ thời còn là sinh viên. Nhưng tại sao anh lại theo đuổi lĩnh vực này, khi đã trở thành một tiến sĩ địa chất?
Đúng là khi tôi học xong thì cũng có khá nhiều cơ hội, trong đó có cả những cơ hội làm việc tại nước ngoài. Thực tế, có không ít sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam sau khi hoàn thành khóa học ở nước ngoài đã lựa chọn cách này để có một cuộc sống ổn định, an toàn. Nhưng tôi rất muốn về Việt Nam, phần vì muốn đem kết quả học tập của mình đóng góp cho sự phát triển của đất nước, phần vì cảm thấy thoải mái hơn khi sống trên quê hương.
Làm được đúng “nghề” thì đương nhiên là tốt, chỉ có điều, ngành của tôi ở Việt Nam có vẻ khó làm, do yêu cầu chuyên môn hóa rất cao, vừa cần có đội ngũ tốt vừa cần có máy móc phức tạp, hơn nữa, môi trường làm khoa học tại Việt Nam còn khó khăn. Trong khi đó, tôi là người ưa thích sự đơn giản, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng là mơ ước mà tôi luôn ấp ủ. Thế nên, mặc dù không đúng chuyên môn, tôi vẫn quyết định thử sức.
Thế hóa ra, việc trở thành tiến sĩ địa chất chỉ là tình cờ?
Thời phổ thông, tôi học lớp chuyên Toán – Tin của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Nhưng kỳ thi học sinh giỏi năm ấy, tôi không giành được kết quả khả quan và chợt nhận ra mình không… giỏi như mình vẫn tưởng. Đó là một cú sốc và tôi quyết định chuyển sang học địa chất, một trong ba ngành đào tạo của lớp cử nhân tài năng đầu tiên.
Tôi luôn tự hào vì đã theo học ngành địa chất, nhờ đó, tôi đã có thể thỏa mãn sở thích riêng là được đi đây đó. Tôi đã đi khắp Việt Nam cũng như nhiều nơi ở nước ngoài, và học hỏi được rất nhiều. Kiến thức sống của tôi chủ yếu có được từ các lần đi đó.
Anh có tìm thấy điểm chung nào giữa chuyên môn mà anh học với công việc anh đang theo đuổi hiện nay?
Tôi nghiên cứu về địa chất – môi trường, một lĩnh vực rất thiết thực với cuộc sống của con người hiện nay. Còn mong muốn làm được điều gì đó góp phần vào sự tiến bộ của giáo dục, cũng không ngoài mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cụ thể, anh muốn đóng góp để thay đổi điều gì trong giáo dục ViệtNam hiện nay?
Tôi đang làm việc cho một trường đại học, với mục tiêu là phải đưa được những giá trị tiên tiến của giáo dục quốc tế đến Việt Nam, trong khi cũng không được phép lãng quên những giá trị tốt đẹp mà giáo dục Việt Nam đã sẵn có.
Ở quy mô một trường đại học, chúng tôi không có ý định đưa ra những triết lý cao siêu mà chỉ cố gắng xây dựng chương trình và thực hiện đào tạo sao cho sinh viên học xong phải làm được việc, kể cả ở trong môi trường quốc tế. Sinh viên cũng được giáo dục kỹ lưỡng hơn về phạm trù đạo đức, thí dụ: không được gian lận trong trích dẫn, trong thi cử… để có được kết quả học tập tốt nhất bằng khả năng thực sự.
Người trẻ nếu đàng hoàng, nghiêm túc trong học tập thì chắc chắn, cơ hội thành công của họ trong công việc sau này sẽ lớn hơn. Họ sẽ hạnh phúc hơn với một tinh thần thoải mái và phong phú về vốn sống.
Anh có bao giờ lo lắng vì là một người làm giáo dục “trái tay”?
Tôi không bao giờ nhận mình là chuyên gia mà gốc rễ nhất, chỉ có sự đam mê thôi thúc. Tôi chia sẻ, có lẽ, với tư cách là người trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn, mặc dù, vẫn thường xuyên tham khảo sách vở về giáo dục. Từ kinh nghiệm học tập nhiều năm ở Việt Nam và quốc tế, cũng như kinh qua thực tế làm việc cho các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục, các công ty trong và ngoài nước, tôi hiểu được giá trị nào cần cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Và chúng là thứ cần thiết để đưa vào chương trình đại học.
Sinh viên không chỉ cần duy nhất học vấn mà họ rất cần được trang bị những giá trị để có thể trưởng thành, có thể tự lập, có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Nhưng biết đâu kết quả sẽ không giống như anh mong đợi?
Tôi luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng và gây ảnh hưởng đến càng nhiều người càng tốt. Những giá trị mang tính nhân văn dễ chia sẻ lắm! Nếu người ta thấy mình chân thành, quyết tâm thì không có lý do gì để người ta không ủng hộ.
Anh thực sự lạc quan, ngay cả khi vấp phải sự “kháng cự” từ các giá trị bảo thủ?
Không thể cầu toàn 100%, cần phải hết sức tôn trọng ý kiến của người khác. Mình bảo đây là cách sống của mình, người khác lại có cách sống của người khác, mình không thể nói: anh sống tồi lắm, hãy bỏ cách sống đó đi! Như thế, dễ gây nên đối đầu. Chống lại sự bảo thủ đương nhiên là rất khó nên mục đích là phải làm cho sinh viên hiểu được vấn đề và tạo được hiệu ứng lan tỏa.
Đam mê – cái gốc làm nên thành công
Anh có nhận thấy, với một số sinh viên, dường như các bạn vẫn chưa thực sự chứng tỏ được mình đã không còn là học sinh?
Đúng là còn không ít sinh viên thụ động. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu nhà trường có định hướng tốt thì sinh viên sẽ có ý thức để thích nghi nhanh chóng. Một thí dụ nhỏ, các trường của ta hay quy định: quay cóp lần đầu sẽ nhắc nhở, lần 2 thì trừ điểm và lần 3 mới phải chịu điểm 0. Vậy thì khác nào bảo với sinh viên rằng, các bạn được phép quay cóp một lần. Hãy cương quyết đề ra “luật chơi” ngay từ đầu: quay cóp = 0 điểm, thì các bạn sẽ mặc định đó là điều không được phép.
Sinh viên cũng chưa được các thầy chú trọng nhắc nhở thói quen đọc sách. Tôi nghiên cứu một số mô hình giáo dục của nước ngoài thì thấy họ yêu cầu sinh viên đọc rất nhiều sách, sách gì không quá quan trọng, miễn là sinh viên phải tiếp thu được những điều mới mẻ bên ngoài giáo trình.
Ngoài ra, giáo dục cần khuyến khích phát triển cá nhân hơn, và nó nên được phát triển thành một hệ thống. Nhiều sinh viên bây giờ khuôn mẫu quá, các bạn phải dám thể hiện các bạn xuất sắc ở một điểm gì đó làm điểm nhấn. Nếu các bạn không có điểm nhấn gì, các bạn chỉ làm một mảng màu nền thì các bạn rất khó thành công. Ngày xưa, tôi đi chơi rất nhiều, tham gia vào các thứ “ba lăng nhăng” rất nhiều, giờ ngẫm lại mới thấy nó cũng giúp ích cho cuộc sống của mình không ít.
Sinh viên bây giờ và lứa sinh viên thời anh học đại học có gì khác biệt không?
Nói chung là khác nhau căn bản đấy. Đối với con người, công cụ giao tiếp là quan trọng nhất. Thế mà ngày xưa giao tiếp mặt đối mặt là chính chứ làm gì có Internet rộng rãi như bây giờ. Internet giúp hình thành nên các tính cách khác nhau, cả tốt cũng như không tốt.
Thí dụ, các bạn trẻ ngày nay ít phải chịu trách nhiệm hơn với biểu hiện của mình. Các bạn có thể lên forum dùng một nickname để nói lên ý kiến của mình. Nhưng chính vì các bạn ít chịu trách nhiệm hơn, nên các bạn dễ cẩu thả, dễ phủ nhận người khác. Các bạn có thể có nhiều bạn bè hơn, nhưng các bạn không dễ có bạn bè sâu sắc…
“Dù có mong muốn làm điều gì, các bạn cũng cần phấn đấu trở thành người thành công nhất, có uy tín nhất trong công việc ấy, lúc đó bạn mới thực sự hạnh phúc với chính mình”. (TS. Đàm Quang Minh). |
Là một người trẻ dấn thân, anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ, trong việc nuôi dưỡng đam mê?
Tôi có đọc một cuốn sách, nói rằng, để thành công, bạn phải hội đủ 3 yếu tố: một là phải có đam mê, hai là đam mê đó phải đúng sở trường, ba là phải phù hợp với cái xã hội cần. Thí dụ, nếu anh rất mê âm nhạc, nhưng khả năng thẩm thấu âm lại không tốt, anh chỉ là người yêu nhạc thôi. Hay bạn có thể chơi game rất giỏi thì dù có vô địch ở kỳ game nào đó, có lẽ nó cũng chỉ mang lại mức độ động viên nhất định vì đó không phải là điều mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Thế nên, ba yếu tố làm nên thành công phải cân bằng nhau, đồng thời, nuôi dưỡng lẫn nhau. Đam mê tạo động lực khiến bạn cố gắng hơn. Đến khi được công nhận, bạn cảm thấy mình có giá trị, từ đó tác động trở lại, khuyến khích bạn đam mê mãnh liệt hơn…
Xin cảm ơn anh!
* Đàm Quang Minh sinh năm 1979, tại Hà Nội.
* Từng là học sinh Khối chuyên Toán – Tin, sinh viên cử nhân tài năng của trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội), trước khi học tập, công tác tại Viện Nghiên cứu Biển Baltic, ĐHTH Greifswald, ĐHTH Kiel và Viện Địa chất Liên bang, CHLB Đức. * Công bố 12 công trình nghiên cứu trên các tạp chí và tài liệu khoa học trong nước, quốc tế. * Trên website cá nhân, anh xác định động lực sống của bản thân: – Mỗi ngày một điều mới. – Muốn được làm việc, cống hiến với cường độ cao trong giáo dục và khoa học, được hưởng xứng đáng với đóng góp. – Muốn cùng xây dựng một cộng đồng nhân bản, minh bạch, tôn trọng lẫn nhau. – Muốn góp phần xây dựng một môi trường xã hội và tự nhiên thanh bình, thân thiện. |
Theo Kiều Hải