Đang đọc
Trang chủ > Nội dung nổi bật > “Kỹ năng nghề – Chìa khóa mở cửa tương lai”

“Kỹ năng nghề – Chìa khóa mở cửa tương lai”

Trong công cuộc xây dựng và phát triển Đất nước của  nước ta hiện nay, vấn đề thất nghiệp và các chính sách giải quyết việc làm đang là vấn đề nóng bỏng được toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Bởi vì thất nghiệp là tăng số người không có công ăn việc làm gắn liền với sự gia tăng các tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, trộm cắp, mại dâm…làm xói mòn nếp sống văn hóa lành mạnh, có thể phá vỡ nhiều mối quan hệ truyền thống, gây tổn thương về mặt tâm lý và niềm tin của nhiều người. Điều đáng nói là tỷ lệ thất nghiệp lại rơi nhiều vào nhóm lao động có trình độ Đại học trở lên.

Vậy vì sao tỷ lệ thất nghiệp cao lại rơi vào nhóm lao động có trình độ Đại học trở lên?

Theo báo cáo điều tra về lao động – việc làm của Tổng cục Thống kê công bố con số đáng báo động, tính tới hết Quý III/2014, có 174.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 16,8% tổng số người thất nghiệp. Trong khi đó đến quý II cùng năm thì số này mới là 147 ngàn người.

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2015 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi có trình độ cao đẳng trở lên trên cả nước là 4,39%, cao hơn 2,17 điểm phần trăm so với tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao sau bốn năm học và nhận bằng chính quy, sinh viên vẫn chật vật trong việc tìm việc làm? Trong khi đó, tình trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay là không thể tuyển được ngay lao động đáp ứng nhu cầu.

Tại một tọa đàm, PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã nhận định: “Việc nhiều cử nhân thất nghiệp phản ảnh sự thay đổi trong cơ cấu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp thường tuyển dụng những ứng viên có khả năng làm việc thực tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên thất nghiệp là do sinh viên không có kỹ năng làm việc, thiếu kỹ năng mềm và bị ảnh hưởng từ các chương trình đào tạo mang nặng tính lý thuyết tại các trường đại học.”

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch tập đoàn Vinamit từng chia sẻ:“Sinh viên Việt Nam nhiều khi quá ảo tưởng về bằng cấp, khi chúng tôi tuyển dụng thấy rằng hầu như các bạn đều chỉ có bằng mà chả có tí kiến thức nào có thể áp dụng cả và chúng tôi phải đào tạo lại”.

Như vậy có thể thấy rằng, sau 4 năm ra trường, các sinh viên cầm trên tay tấm bằng Đại học nhưng không có kỹ năng làm việc thực tế, hay nói cách khác là chưa có kỹ năng nghề nghiệp. Cho nên các doanh nghiệp dè dặt trong việc tuyển dụng, và phải bỏ tiền của, công sức để đào tạo lại. Vì thế các em HSSV được đào tạo từ các Trường nghề, sau khi ra trường có ưu thế hơn trong việc tìm kiếm việc làm. Bởi lẽ họ được đào tạo bài bản, chính quy và đặc biệt họ có kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu làm việc thực tế theo các yêu cầu của doanh nghiệp cần tuyển dụng.

Kỹ năng nghề-  Chìa khóa mở cửa thành công

Một tín hiệu vui từ hệ thống đào tạo nghề được Tổng Cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) công bố vào ngày 14/01/2015. Tỉ lệ trung bình sinh viên học nghề có việc làm sau tốt nghiệp năm 2014 là trên 78%. Mức lương của sinh viên tốt nghiệp cao bẳng nghề  được các doanh nghiệp trả giao động từ 3,8 – 7 triệu đồng/người/tháng.

Vững vàng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là những ưu thế cạnh tranh của ứng viên tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo nghề trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm và phát triển bản thân. Những con số thống kê đã chứng minh điều này. Đã đến lúc các bậc phụ huynh cũng giới trẻ cần có cái nhìn thực tế hơn trong việc chọn nghề, chọn trường để lập thân, lập nghiệp.

 

Đinh Hồng

Tổng hợp từ báo Dân trí

(http://dantri.com.vn/tin-tuyen-sinh/tu-van-huong-nghiep-ky-nang-nghe-chia-khoa-mo-cua-tuong-lai-1057171.htm)

Trả lời

EnglishVietnamese