“Người học không chỉ học để biết chữ, biết các công thức mà còn học để hiểu đạo lý, hiểu mối quan hệ giữa người với người như thế nào. Như vậy, không có cái máy nào có thể truyền thụ được đạo lý cả”, GS. VS Phạm Minh Hạc khẳng định.
Hơn nửa thế kỉ hoạt động trong ngành giáo dục, là một trong những GS.VS hàng đầu của Việt
Trước cuộc đại cách mạng về công nghệ thông tin, theo ông, quan niệm “không thầy đố mày làm nên” có còn ý nghĩa?
Vài chục năm trở lại đây, ở phương Tây, khi thông tin bùng nổ và lý thuyết thông tin ra đời, có người đưa ra quan niệm nhà giáo chỉ là người định hướng thông tin. Sau đó không bao lâu, lý thuyết này bị tan vỡ và các thông tin trên máy tính, các phương tiện đèn chiếu… cũng chỉ là phương tiện để dạy học. Còn thầy giáo càng được khẳng định với vai trò to lớn hơn. Chẳng hạn ở nước Mỹ, dù có nền văn minh hiện đại và công nghệ thông tin bậc nhất thế giới nhưng ở một trường công nghệ lớn nhất nước này vẫn dùng bảng đen.
Trong giáo dục (kể cả đại học), người thầy ở đây vẫn là người lãnh đạo học trò, tổ chức học trò để tiếp thu tri thức. Còn ở các cấp như tiểu học, mầm non… vai trò của giáo viên cực kì quan trọng. Thậm chí, nhiều trẻ còn sợ thầy cô hơn cả bố mẹ. Như vậy, lý thuyết thông tin dần dần bị bác bỏ bởi lẽ ngoài truyền thụ tri thức, giáo viên còn là người giáo dục đạo đức, nhân cách. Người học không chỉ học để biết chữ, biết các công thức mà còn học để hiểu đạo lý, hiểu mối quan hệ giữa người với người như thế nào. Như vậy, không có cái máy nào có thể truyền thụ được đạo lý cả.
GS VS Phạm Minh Hạc nguyên là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; nguyên Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương; Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (từ 2001-2006); Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (1999-2006); Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam (từ 1999); Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ 2005)… |
Trước đây, giáo viên thường được tôn sùng về mặt tri thức. Khi nhiều thông tin ra đời, trẻ em tiếp cận máy móc nhanh hơn, ông thấy yêu cầu tự tìm hiểu tri thức của người giáo viên phải rất lớn?
Các cụ xưa thường dạy một câu “biết mười, dạy một”. Thầy giáo thời trước chỉ lên lớp mỗi tuần từ 19-20 tiết, còn thời gian rảnh để học và đọc thêm. Ở các nước trên thế giới, người ta cũng dành rất nhiều thời gian rỗi cho giảng viên đại học để họ tiếp cận thêm tri thức. Ở ta hiện nay, giáo viên mới ra trường lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng- không đủ sống nên phải làm thêm đủ nghề. Ở thành phố thì dạy thêm. Ở nông thôn, có người trồng rau, nuôi lợn, thậm chí sửa xe đạp… Như thế, rất khó để trau dồi kiến thức.
Như vậy vì chữ “lễ”, thế hệ học sinh sau này phải chấp nhận kiến thức (có thể yếu kém) của giáo viên do quan điểm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” trước đây để lại?
Tôi nói từ “quan trọng” trong vai trò của người thầy không có nghĩa là áp đặt. Nhà trường không thể thiếu người giáo viên nhưng cô thầy phải gần gũi học sinh mới làm tốt vai trò. Vì thế, Nhà nước phải quan tâm để đảm bảo đời sống hơn nữa cho giáo viên để họ chú tâm cho việc dạy học, sống được bằng nghề dạy học như ở một số nước khác.
Giáo viên phải tự thanh lọc đạo đức
Hiện, thời gian ở bán trú của học sinh nhiều hơn thời gian ở nhà. Tuy nhiên, nhiều vụ bạo hành ở trường học khiến học sinh hoảng sợ việc học. Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng, người thầy trước hết hãy cho học sinh ước mơ chứ không phải nỗi khiếp sợ?
Điều đó là sai hoàn toàn. Bạo lực học đường phải bị lên án quyết liệt. Tuy nhiên, theo tâm lý học lâu nay, con người ta phải khiếp sợ một cái gì đó mới tốt. Chẳng hạn, sợ sai lầm khiến người ta dè chừng, không bất chấp tất cả. Sợ đi học muộn, cũng tốt hơn cho trẻ. Sợ cô giáo phạt khiến trẻ không làm bừa và chăm chỉ học bài. Thậm chí ở người lớn, sợ người khác chê cười cũng là điều tốt…
Ở một số nước trên thế giới, người ta đã tiến hành thực nghiệm tâm lý học với một số người trước khi vào phòng thi. Nếu người nào hơi sợ một chút- tức ở mức sợ thấp nhất chứ không phải hoảng hốt- thì làm bài thường tốt hơn những người quá coi thường. Nhưng mức độ sợ hãi này phải có một giới hạn nào đó. Nghĩa là giáo viên không được dọa dẫm, đánh đập khiến học trò hoảng loạn ở mức cao nhất mới có hiệu quả tốt.
Rất tiếc gần đây xuất hiện nhiều trường hợp vi phạm đạo đức trong nhà trường. Giáo viên còn tham nhũng, vòi quà biếu… Điều đó có làm xấu hình ảnh đẹp về người thầy mà trước nay đã in trong tiềm thức của bao thế hệ?
Đấy chỉ là những trường hợp hạn hữu. Trong hàng chục vạn người mới có một người thầy vi phạm. Đó là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Đáng lẽ ra, chính trong đội ngũ giáo viên, họ phải tự thanh lọc đạo đức để sống đẹp, tự phấn đấu và nuôi dưỡng đạo đức. Tuy nhiên, về phía Bộ GD&ĐT phải thanh lọc những giáo viên không đủ năng lực phẩm chất. Thời gian còn ở Bộ GD&ĐT, tôi đã từng thực hiện một đề tài thanh lọc giáo viên thì thấy, có khoảng 8-10% giáo viên không đủ tiêu chuẩn cả về đạo đức và kiến thức cần phải thanh lọc. Sau đó, một số tỉnh đã mạnh tay thanh lọc nhưng một số tỉnh vẫn không dám nên đội ngũ giáo viên không đủ phẩm chất vẫn tồn tại.
Hiện người ta kêu ca nhiều về những yếu kém trong giáo dục. Theo ông, ngành giáo dục chúng ta đang thực sự đi đúng hướng?
Phải khẳng định những gì ta đạt được từ trước đến nay là tốt và thẳng thắn sửa những gì chưa tốt. Trước cách mạng, dân mình 95% mù chữ. Giờ đạt được nhiều giáo sư, tiến sĩ… điều đó rất đáng tự hào. Nhưng những gì chưa làm được, khiến dân kêu ca quá, ngành giáo dục phải sửa. Chẳng hạn, phải ổn định chương trình và SGK; Vấn đề học phí còn để các trường thu quá đáng; Nhiều cử nhân ĐH ra trường không tìm được việc làm… Tôi nghĩ, tất cả những tồn tại này phải sớm chấn chỉnh để công bằng hơn cho người học.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hạnh Nguyên
Gia Đình & Xã Hội