Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Tin giáo dục > Từ bài học về Người Thầy mẫu mực Chu Văn An

Từ bài học về Người Thầy mẫu mực Chu Văn An

(Dân trí) – Nhà giáo mẫu mực về nhân cách và khí phách Chu Văn An (1292-1370) nêu tấm gương sáng cho muôn đời: “Làm Thầy giáo giỏi của một đời, để đạt tới làm Thầy giáo giỏi của muôn đời”, đúng như lời bình của Nhà Sử học Phan Huy Chú.

Nguyên là đại quan đời Trần, khi Cụ mất, vua Trần đã dành cho Cụ niềm vinh dự lớn bậc nhất đối với một “nguyên khí quốc gia”, một đại trí thức thời đó, và được tôn thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng Cụ một tuyên danh, là Văn Trinh.

Ông Ngô Thế Vinh – nhà văn học VN nổi tiếng thế kỷ 19, trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã giải nghĩa hai chữ “Văn Trinh”, tóm tắt như sau: Văn – đức chi biểu dã; Trinh – đức chi chính cổ dã. Được hiểu: Văn là sự bên ngoài (thuần nhất) của đức; Trinh là tính chính trực (kiên định) của đức.

Danh xưng như vậy nhằm tôn vinh một nhân cách đã kết hợp được hai mặt của tài đức: nhất quán từ văn phong (thuần nhã, hiền hòa,…) ở bên ngoài với bên trong (chính trực, kiên định, thanh khiết). Lịch sử giáo dục nước nhà cũng đặc biệt tôn xưng Cụ ở địa vị cao quý khả kính nhất, xứng đáng đứng đầu các bậc Nhà giáo Danh nhân đất Việt từ xưa tới nay.

Sử sách cho biết lúc còn trẻ, Chu Văn An đã nổi tiếng là người cương trực, giữ lòng trong sạch, trau dồi tiết tháo, không màng danh lợi, lo chăm chỉ đọc sách. Sau khi đỗ đạt khoa bảng, dù được vua trân trọng mời nhưng Cụ không ra làm quan, mà về làng mở trường dạy học. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Trong số đó có nhiều người thành đạt, thi đỗ ra làm quan to của triều đình, như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát khi về thăm Cụ vẫn giữ lễ, trọng đạo thầy trò.


Tranh Chu Văn An trong Văn Miếu, thờ tại Quốc Tử Giám – Hà Nội.   Đến triều vua Trần Minh Tông (1314-1329) vời Cụ vào làm Tư nghiệp ở Quốc tử giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông sau này. Thịnh một thời, nhưng tới đời vua Dụ Tông, triều đình thối nát. Thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, Cụ can gián nhưng vua không nghe. Cuối cùng, Cụ dâng Thất Trảm Sớ xin chém 7 tên gian thần, vua không chịu. Cụ chán nản từ quan, về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, làm thuốc, viết sách cho tới khi mất.

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của Cụ là tấm gương chói lọi của mọi thời. Sự nghiệp vinh hiển của Cụ đã vượt qua ngưỡng: làm Thầy giáo giỏi của một đời, để đạt tới làm Thầy giáo giỏi của muôn đời, như Nhà Sử học Phan Huy Chú đã ca ngợi như thế về Cụ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

…Tấm gương đó cũng cho ta bài học về ngành Sư phạm và nghề Dạy học trong thời buổi hiện nay, khi mà nền giáo dục nước nhà đang có nhiều bất cập. Xã hội đang yêu cầu chấn hưng nền giáo dục như là mệnh lệnh từ cuộc sống. Đòi hỏi đó đã được đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng xem ra chưa  thay đổi đáng kể, mà hầu như vẫn trên đà suy thoái. Suy thoái nhất là về đạo đức.

Ai cũng thấy, muốn chấn hưng nền giáo dục, trước hết phải chấn chỉnh ngành Sư phạm (NSP) và nghề Dạy học (NDH). Triết lý từ cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Chu Văn An cho ta bài học rất Nhân Văn trong việc đào tạo người thầy và trong cách làm thầy. Đó là NSP phải đào tạo người thầy có nhân cách (thanh khiết, thuần nhã…) và có khí phách (chính trực, kiên cường…). Phải minh định cụ thể như thế, chứ không thể nói “hồng-chuyên” một cách chung chung, xa vời và trừu tượng.

Cũng theo triết lý cụ thể đó thì các quan chức giáo dục cũng phải là những tấm gương về nhân cách và cả khí phách cho người thầy noi theo. Ít nhất là tránh lối chạy chức chạy quyền hoặc tắc trách trong quản lý đào tạo. Mặt khác, NSP và NDH (thông qua việc quản lý giáo dục) cũng lo chấn chỉnh làm sao để người Thầy không thể tự biến mình thành thợ dạy, càng không thể tự tầm thường hóa thành người bán chữ, bán điểm, bán bằng… vô tình bôi nhọ sự thanh cao của nghề giáo.

Thời đại càng công bằng và văn minh, xã hội càng dân chủ và tiến bộ thì NSP và NDH càng được nhà nước quan tâm từ gốc : từ người thầy. Quan tâm không chỉ vì đây là một ngành nghề khơi dậy, ươm mầm, nuôi dưỡng và phát triển nguồn Nguyên Khí Quốc Gia, mà còn vì, đây là một ngành nghề hết sức đặc biệt.

Đặc biệt ở chỗ, đối tượng hành nghề và sản phẩm lao động của nó chính là CON NGƯỜI, thay vì đồ vật ; lại là Tâm Hồn và Chất Xám chứ không phải than đá hay quặng nhôm…

Còn đặc biệt ở chỗ, sản phẩm đó phải thông qua Giáo dục & đào tạo, nhất là thông qua Tự Giáo dục & Tự Đào tạo mới thành chính phẩm, mới Nên người cho xứng đáng Làm người.

Thêm một điều đặc biệt nữa: Công cụ lao động chính của NSP và NDH không phải là bút giấy sách vở, là mô hình giáo cụ hay công nghệ thông tin… mà chủ yếu là TẤM GƯƠNG SÁNG của người Thầy, với toàn bộ những Phẩm chất và Năng lực của Nhà Giáo trước mặt học sinh.

Sứ mệnh cao cả và Hào quang hiển vinh của NSP & NDH nằm ở chỗ đó.

Xưa nay đã có rất nhiều danh nhân nói lên sự cao quý của NSP & NDH, miễn nhắc lại đây. Hễ ai có một phông văn hóa và một nền học vấn cơ bản đều nhận thức được rằng, để có được những học trò phẩm hạnh và sáng tạo thì phải có gương sáng từ những người thầy tốt về Nhân cách và mạnh về Khí phách.

Bởi thế, sự nghiệp trồng người gắn chặt với sự nghiệp Trồng thầy, mà phải là những người Thầy vừa chân chính, vừa sáng tạo.


Quang Dương (Nhà giáo hưu trí)

LTS Dân trí – Nhà giáo mẫu mực Chu Văn An quả thật là tấm gương hết sức tiêu biểu và toàn diện để cho các thế hệ nhà giáo muôn đời sau noi theo. Đúng như nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú đã từng ngợi ca sự nghiệp có ý nghĩa “vượt thời đại” của Cụ là “làm Thầy giáo giỏi của một đời, để đạt tới làm Thầy giáo giỏi của muôn đời”.

Từ tấm gương Nhà giáo tiêu biểu Chu Văn An, tác giả bài viết trên đây đã rút ra bài học đích đáng, có tính thời sự, đối với sự nghiệp chấn hưng giáo dục ngày nay, trước hết là phải quan tâm đến việc đào tạo và xây dựng bằng được đội ngũ người thầy có nhân cách và khí phách, có đầy đủ phẩm chất và năng lực làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Điều đó đòi hỏi các cấp lãnh đạo và quản lý nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng đặc biệt của sự nghiệp “trồng người” cũng như yêu cầu có tính chuẩn mực rất cao đối với nghề dạy học, để từ đó có sự quan tâm đặc biệt đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cũng như tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho  đội ngũ giáo viên luôn yên tâm gắn bó với nghề, dồn  tâm huyết và sức lực cho sự nghiệp “trồng người”.

Trả lời

EnglishVietnamese