Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Những ngành học dễ xin việc làm

Những ngành học dễ xin việc làm

Cụ thể, dự báo thị trường lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, nhu cầu việc làm của ngành Xây dựng sẽ tăng 375 nghìn người, Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, Bán buôn – bán lẻ tăng 284 nghìn người, Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 61 nghìn người.

Trong khi tình trạng khó kiếm việc làm diễn ra ở một số ngành như Kế toán – kiểm toán, Tài chính Ngân hàng…, nhu cầu nhân lực của các ngành Xây dựng, Kỹ thuật, Vận tải lại có chiều hướng tăng.

Bám sát nhu cầu thực tế để chọn ngành học

Tư vấn trong chương trình “Đưa trường học đến thí sinh 2016”, thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang, Phó trưởng phòng Đào tạo chất lượng cao, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận định, ngành Công nghệ kỹ thuật ôtô đang phát triển và được nhiều bạn trẻ quan tâm.

Hai trong số nhiều trường đào tạo ngành này ở phía Nam là Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và Đại học Bách Khoa TP HCM. Trong đó, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ngoài đào tạo kỹ sư, ôtô, lắp ráp, kinh doanh ôtô, cũng là nơi đào tạo chuyên gia cho các hãng ôtô lớn.

Cũng theo dự báo, Xây dựng vẫn thuộc nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao, trong khi số lượng đào tạo hiện tại thấp hơn nhiều so với nhu cầu.

Tính riêng tại TP HCM, gần 20 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành này. Năm 2015, Đại học Bách khoa TP HCM dành 565 chỉ tiêu cho nhóm ngành Xây dựng. Đại học Kiến trúc TP HCM tuyển sinh ngành Kỹ thuật xây dựng với 400 chỉ tiêu. Đại học Tôn Đức Thắng tuyển 150 chỉ tiêu ngành này.

Một ngành học khác dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong vài năm tới là Tâm lý học. Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông. Nhu cầu tuyển dụng vì thế sẽ tăng cao.

Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Đại diện Phòng đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM cũng nhận định, Tâm lý học, với chuyên ngành tư vấn học đường, được nhiều thí sinh chọn lựa. Sinh viên tốt nghiệp sẽ tư vấn cho lứa tuổi học sinh, nhu cầu xã hội đang rất cần.

Thí sinh có thể học ngành này tại các trường lớn như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa tâm lý, Đại Sư phạm Hà Nội, Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chọn ngành học đón đầu hội nhập

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tỷ lệ việc làm ở Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Điều này có nghĩa nước ta (đang có hơn 53 triệu lao động) sẽ có thêm 14,5 triệu lao động tìm được việc làm vào năm 2025.

Trên cơ sở đó, Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM đánh giá, nhu cầu việc làm trong các ngành Xây dựng, Vận tải, Dệt may và Chế biến thực phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Sau khi Việt Nam gia nhập AEC, nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa các nước tăng mạnh. Đây là cơ sở để Logistics – ngành Dịch vụ vận tải hàng hóa phát huy tiềm năng. Muốn làm ngành này, thí sinh có thể thi vào các trường khối kỹ thuật, liên quan dịch vụ giao thương hàng hải, kỹ thuật tàu biển.

Hiện nay, khu vực phía Nam có hai trường đào tạo Logistics là Đại học Giao thông vận tải TP HCM và Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM.

Mặc dù những ngành học hứa hẹn việc làm đều đã có nhiều cơ sở đào tạo, nhưng lãnh đạo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM đánh giá chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. TP HCM là nơi có quy mô đào tạo lớn nhất nước nhưng chất lượng lao động vẫn còn “khập khiễng” so với các nước trong AEC.

Bên cạnh yếu tố đào tạo từ nhà trường, sinh viên học những ngành này cần chủ động trang bị kỹ năng mềm và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ.

Lê Hùng Cường sưu tầm (http://tintuc.vn/giao-duc/nhung-nganh-hoc-de-xin-viec-lam-98303)

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]