Có một cô gái ngày ngày đến giảng đường như bao bạn học khác, không hề biết rằng ngoài kia, người cha của mình đang miệt mài đạp xe rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm bán dạo…
Cũng có một người mẹ gầy ngày đêm tảo tần với gánh hàng rong oằn trên đôi vai… Tất cả những lo âu mưu sinh vất vả, chỉ để con được yên tâm ngồi trên giảng đường.
Giấu con, ba đi bán dạo
Làng Đại học Thủ Đức đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông gầy còm, thấp bé cùng chiếc xe đạp dạo bán hàng rong ngày ngày. Hỏi gia cảnh mới biết ông là dân lao động nhập cư vào thành phố mưu sinh lấy tiền nuôi con gái học đại học.
Nói về cô con gái, ông quệt giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt khắc khổ kể giọng đầy tự hào: “Nó tên Trinh, học Trường ĐH Nông Lâm. Cả họ tôi có mình cháu nó là đậu đại học….”.
Ông tên Tư, quê ở một huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, vùng quê nghèo quanh năm nắng gió khắc nghiệt. Vốn chỉ có một cô con gái duy nhất nên ông bà dành hết tình yêu và hy vọng cho con.
Không phụ lòng cha mẹ, tin báo đậu đại học của Trinh đến như một giấc mơ làm xôn xao cả làng quê nghèo yên ả. Ông Tư bồi hồi kể: “Cả nhà tôi hai bên nội ngoại đều ít học. Thật may là cháu nó ham học từ nhỏ. Có nhiều lúc nó định bỏ học vì thấy bố mẹ vất vả quá, tôi cứ phải động viên…”.
Ngày trúng tuyển, khi bà con hàng xóm kéo đến chia vui, ông bà nhìn nhau lo lắng: “Lấy tiền đâu nuôi con ăn học 4 năm”. Hiểu được nỗi lo của cha mẹ, Trinh định không nhập học. Thế nhưng người cha đã một lần nữa động viên con: “Tôi nói dối cháu là bố sẽ vào đó làm công cho một người bà con xa trong thành phố”.
Hành trang hai cha con lên đường nhập học chỉ là vài trăm ngàn đồng trong túi. “Tôi không biết có lo liệu đủ tiền cho con ăn học không nhưng tôi vẫn phải đi với suy nghĩ: bằng mọi giá phải kiếm tiền nuôi con học. Làm bất cứ việc gì cũng được, miễn là không phạm pháp”.
Suốt một tuần lang thang, đi đến đâu ông cũng bị lắc đầu từ chối vì người ta chê ông tuổi già. Tình cờ, ông gặp một người đồng hương bán dạo và được người này hướng dẫn. Từ đó, ông thuê trọ ở Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) và bắt đầu hành trình bán dạo mắt kính và móc khóa, kiếm tiền nuôi con học.
Để con yên tâm học và không xấu hổ cùng bạn bè, ông giấu kín nghề mình đang làm. “Thỉnh thoảng, tôi có ghé khu vực Làng Đại học này bán hàng để nhìn con đỡ nhớ nhưng rồi gần giáp mặt cháu tôi lại không dám kêu vì sợ cháu mắc cỡ với bạn bè. Tôi dự tính làm nghề này đến khi nào cháu ra trường thì về quê. Khó khăn cực nhọc mấy tôi cũng không sợ, chỉ sợ trời không cho tôi sức khỏe để làm lấy tiền nuôi cháu ăn học…”.
Người cha nghèo quệt giọt mồ hôi rồi gật đầu chào tôi để kịp đi bán trước khi trời tối. Hình ảnh người đàn ông gầy còm đen xạm cùng chiếc xe đạp cọc cạch nhỏ bé dần trong dòng người đông đúc trước cổng Làng Đại học.
Ở giảng đường, giờ này, có lẽ Trinh cũng vừa tan lớp. Cô bạn trẻ hồn nhiên đi cạnh bạn bè, vui chơi, học tập không biết rằng ngoài kia, cha mình đang rong ruổi cùng chiếc xe đạp, những mong bán được nhiều hơn chiếc móc khóa hay một đôi kính, để có thêm tiền gửi cho con.
Lên phố ở trọ cùng con
Bạn bè trong lớp vẫn quen với khuôn mặt hay cười của Hồ Thị Hà Khánh, sinh viên Trường CĐ Du lịch Sài Gòn. Thế nhưng, ít ai biết đằng sau nụ cười trong trẻo ấy là nỗi buồn lặng lẽ.
Để có được những phút giây trên giảng đường, cha mẹ Khánh đã phải hy sinh rất nhiều. Nếu đi dọc đường Kha Vạn Cân, thấy bóng dáng một người phụ nữ quẩy gánh hàng rong cùng tiếng rao đều đặn “Ai bún xào… bánh ướt!…” thì đó là mẹ của Hà Khánh.
Rời vùng quê Đức Phổ (Quảng Ngãi), Hà Khánh và chị gái vào học ở hai trường cao đẳng ở thành phố. Cha mẹ cũng cùng hai cô con gái lặn lội vào thành phố mưu sinh.
Căn phòng trọ 12 mét vuông trở thành chỗ trú ngụ cho 4 người. Hà Khánh ngậm ngùi: “Hằng ngày, mẹ Khánh phải dậy sớm từ 3h, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi là quảy đi bán. Khoảng 3h chiều mới về. Bố chạy xe ôm ở cầu Ông Dầu. Những ngày bố chạy xe ôm, mấy mẹ con lo lắm vì bố quá hiền lành. Có lần bị côn đồ trấn xe, bố bị thương ở chân, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc…”.
Ngày ấy, đôi quang gánh oằn trĩu hai vai đi khắp hang cùng ngõ hẻm khiến mẹ Hà Khánh mắc chứng viêm khớp. Nhiều đêm, nhìn mẹ không ngủ được vì đau nhức, cô bạn chỉ biết tự nhủ mình sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này đi làm có tiền, đỡ đần lại cha mẹ. Cũng có hôm không phải lên lớp, hai chị em ra phụ mẹ gánh hàng bán. “Có phụ mẹ bán hàng mới thấm thía hết nỗi cơ cực mà mẹ phải chịu mỗi ngày!” – Khánh tâm sự.
Kể về những ngày tháng vất vả “theo con lên giảng đường”, cô Hồng – mẹ Hà Khánh – nói cười vui vẻ như tất cả những gì đang trải qua chẳng có gì là gánh nặng: “Những ngày đầu, tôi còn làm bốc vác nữa đấy. Cực lắm và không đủ sức nên chuyển qua bán rau quả, một thời gian thì chuyển qua bán đồ ăn sáng. Tuy cũng vất vả nhưng có tiền cho hai đứa ăn học.
Đến bây giờ, các con đã tìm cách đổi đôi quang gánh thành chiếc xe đẩy cho tôi. Nhờ chiếc xe, tôi cũng đỡ mệt nhiều, đi được xa hơn, bán được nhiều hơn. Tôi với ông chồng có vất vả mấy cũng phải gắng sức, nuôi con ăn học bằng người!”. Nụ cười của người mẹ nghèo rạng ngời trên khuôn mặt sạm đen.
***
Trong lòng những sinh viên như Trinh, Khánh… có cuộc sống đầy niềm vui trên giảng đường và một cuộc sống cảm động phía sau giảng đường – nơi có những người cha, người mẹ nghèo đang vất vả mưu sinh để được đồng hành cùng con trong hành trình kiếm tìm tri thức. Hai cuộc sống ngỡ chừng tương phản, nhưng lại là những mảnh ghép tuyệt vời cho cuộc đời và tình yêu thương. Không phải cổ tích, mà vẫn đâu đây rất thật giữa đời thường…
Theo Văn Tiệp, Thủy Nguyên
Sinh Viên Việt Nam