Đang đọc
Trang chủ > Giới thiệu > Lịch sử - Truyền thống > Giai đoạn (1970 – 1975 ) những năm chống mỹ cứu nước

Giai đoạn (1970 – 1975 ) những năm chống mỹ cứu nước

Tết Mậu Thân năm 1968 cuộc tổng tiến công của quân và dân miền nam đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã chuyển sang giai đoạn mới. Đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang ngừng bắn phá miền Bắc nước ta bằng không quân mà trước đó chúng đã từng tuyên bố đưa miền bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, đồng thời Mỹ đã phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại hội nghị Pari.

Năm 1968 Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn đã ký Quyết định thành lập các Trường công nhân trong các Công ty cơ giới để đào tạo công nhân kỹ thuật lái xe, máy phục vụ cho các công trình thủy lợi.

Qúy 2 năm 1968 Bộ Thủy lợi đã có Quyết định thành lập Trường Công nhân Cơ giới trực thuộc Công ty thi công Cơ giới 1, chỉ tiêu đào tạo khóa đầu là 150 học sinh gồm các nghề Lái xe ô tô, Lái máy ủi C100, Lái máy xúc và sửa chữa xe máy, thời gian đào tạo từ 12 đến 18 tháng, kinh phí đào tạo do Bộ cấp trực tiếp theo dự toán hàng năm của trường.
Thực hiện Quyết định của Bộ, ban chủ nhiệm Công ty thi công Cơ giới 1 đã cử đồng chí Đào Sỹ Dần cán bộ công ty làm quyền Hiệu trưởng – Bí thư đảng ủy, cùng với một số cán bộ nghiên cứu đề xuất tìm địa điểm để xây dựng trường và tiến hành nhiệm vụ dạy và học. Sau một thời gian liên hệ, khảo sát, địa điểm của trường được chọn tại xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Thầy và trò đã vào rừng khai thác vật liệu, vừa học vừa làm, một ngôi trường bằng tranh tre nứa lá được hình thành.

Tại Quyết định số 287- TL/QĐ ngày 25/5/1970 của Bộ Trưởng Bộ Thủy Lợi về việc thành lập Trường Công nhân Cơ giới trực thuộc Bộ Thủy lợi. Nội dung như sau:
– Sáp nhập 2 Trường Công nhân Cơ giới trực thuộc hai Công ty thi công Cơ giới 1 và 2 thành Trường Công nhân Cơ giới (đó là tiền thân của Trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình ngày nay).

 2
 Cơ sở vật chất của trường những ngày đầu thành lập (Giai đoạn 1970 – 1971)
 Tại xã Quảng lạc – Nho quan – Ninh bình
– Về địa điểm giữ nguyên địa điểm cũ tại xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

– Về tổ chức Bộ điều động đồng chí Hà Huy Lân giám đốc nhà máy sửa chữa ô tô Hà Đông về giữ chức Hiệu trưởng, đồng chí Đào Sỹ Dần là Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu phó phụ trách đào tạo, đồng chí Lê Liên chủ nhiệm công ty Tầu quốc về làm Hiệu phó phụ trách đời sống, đồng chí Tô Mai nguyên   Hiệu phó trường thuộc Công ty thi công Cơ giới 2 vừa giải thể về làm Hiệu phó phụ trách kỹ thuật xe máy.
– Tuyển sinh khóa 1 (kể từ khi có QĐ ngày 25/5/1970), số lượng là 300 học viên, nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật cho ngành thủy lợi.
– Tại quyết định 934 TL/QĐ ngày 18 tháng 10 năm 1971 Bộ Thủy lợi giao nhiệm vụ bổ xung chỉ tiêu đào tạo 1000 học sinh/khóa chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà, bao gồm các nghề lái xe ô tô, lái máy ủi C100, máy xúc, thời gian đào tạo từ 12 đến 18 tháng, bổ xung chỉ tiêu biên chế cho trường nâng tổng số CBCNV, giáo viên lên 180 người.

Tổ chức bộ máy của Nhà trường trong giai đoạn này được bố trí, sắp xếp như sau:

1. Tập thể lãnh đạo gồm:
– Đảng ủy
– Ban giám hiệu
– Công đoàn
– Đoàn thanh  niên
2. Các phòng, ban
– Phòng giáo vụ
– Phòng tổ chức
– Phòng hành chính- quản trị
– Phòng quản lý xe, máy
– Ban kiến thiết
3. Các tổ môn giáo viên:
– Tổ giáo viên lý thuyết
– Tổ giáo viên thực hành C100
– Tổ giáo viên thực hành máy xúc
– Tổ giáo viên thực hành ô tô
4. Các bộ phận phục vụ:
– Xưởng thực tập và sửa chữa
– Trạm y tế
– Nhà ăn tập thể
– Nhà trẻ

3

 Các đồng chí trong ban chấp hành, Đảng ủy, Công đoàn chụp ảnh lưu niệm  tiễn đồng chí Vũ Đình Viên, đồng chí Phạm Hải Đăng về nghỉ chế độ năm 1975

 4

Các cán bộ, giáo viên đầu tiên của trường công nhân cơ giới

Tháng 6 – 1970, Đảng bộ Dân Chính Đảng Trung ương ra Quyết định thành lập Đảng bộ Trường Công nhân cơ giới. Đội ngũ đảng viên của Đảng bộ ngày đầu thành lập có 30 đồng chí, sinh hoạt ở 3 chi bộ: Chi bộ Giáo vụ, giáo viên; Chi bộ tổ chức hành chính; Chi bộ học sinh.


Ban Chấp hành khoá I gồm 5 đồng chí:


Đồng chí Đào Sỹ Dần, Phó hiệu trưởng, Bí thư Đảng uỷ
Đồng chí Hà Huy Lân, Hiệu trưởng, phó Bí thư Đảng uỷ
Đồng chí Trần Minh Viễn, Phụ trách giáo vụ, uỷ viên
Đồng chí Hỗ Nghĩa Tương, Trưởng phòng hành chính – quản trị, uỷ viên
Đồng chí Bùi Thanh Đễ, Thư ký Công đoàn, Tổ trưởng Tổ giáo viên thực hành ô tô, Uỷ viên.

Những năm đầu phần lớn học sinh phải ở nhờ nhà dân, thiếu giáo viên, thiếu thiết bị xe máy để phục vụ học tập, đời sống sinh hoạt thiếu thốn, phần nhiều ăn độn sắn khoai, vừa học vừa làm để xây dựng trường sở. Thày và trò đã động viên nhau khắc phục mọi khó khăn đảm bảo chất lượng và tiến độ đào tạo.
Năm 1972 giặc Mỹ bắn phá trở lại miền Bắc nước ta bằng không quân. Trường đã sơ tán vào rừng Cúc Phương, xã Kỳ Phú – Nho Quan – Ninh Bình, xã Kim Tân – Thạch Thành – Thanh Hóa. Máy bay Mỹ đã ném bom vào trường 3 lần bằng bom bi, bom cháy, bom phá nhưng chỉ thiệt hại về cơ sở trường lớp, người và xe máy vẫn được an toàn. Sự nghiệp đào tạo vẫn được tiếp tục với tinh thần “ Trường học là chiến hào chống Mỹ, học viên cũng là chiến sỹ chống Mỹ”. Nhiều thanh niên là cán bộ, giáo viên, học sinh theo tiếng gọi của Đảng đã tình nguyện lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ Quốc, góp phần giải phóng miền Nam.
Năm 1973 sau khi Hiệp định Pari được ký kết, thày trò trở về tiếp tục khôi phục sự tàn phá của chiến tranh, vừa học vừa lao động, không quản ngại gian khó dựng nhà ở, dựng lại lớp học. Bộ thuỷ lợi cũng kịp thời cấp kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Với kinh phí ban đầu được Bộ đầu tư 1,2 triệu đồng, cùng với công sức đóng góp của thày và trò, trường đã xây dựng được 8000 mét vuông nhà, chủ yếu là nhà cấp 4, kết cấu khung thép lợp ngói Prôximăng
Về thiết bị, xe máy phục vụ đào tạo, để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, ngoài các thiết bị cũ đã có, Bộ đã điều chuyển cho trường từ 1974 đến 1975 hàng trăm xe ô tô giải phóng, hàng chục máy ủi C100, T100M, máy xúc E652 cho trường đảm bảo tốt việc dạy và học. Thày và trò nghề lái máy ủi đi thực tập dã ngoại tham gia xây dựng đào hồ, đắp đập giúp địa phương ở các xã Quảng Lạc, Sơn Hà, Yên Sơn, Cúc Phương vv… Thày trò nghề lái xe ôtô tham gia thực tập vận chuyển hàng ngàn tấn vật liệu xây dựng trường  và thực hiện các nhiệm vụ vận tải mà địa phương giao cho.
Sau 5 khoá đào tạo hàng ngàn công nhân lái xe, lái máy đã tốt nghiệp ra trường kịp thời phục vụ chiến đấu và xây dựng các công trình thủy lợi trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Biết dựa vào dân, tranh thủ sự lãnh đạo của Bộ, của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo Nhà trường, của cán bộ giáo viên, trong giai đoạn đầu thành lập, giai đoạn chiến tranh nhà trường đã vươn lên khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong gian khó thủa ban đầu những mầm xanh vẫn đâm chồi nảy lộc vươn lên tự khẳng định mình, chuẩn bị gánh vác sứ mệnh lịch sử của nhà trường trong những năm tiếp theo.

7

Khu nhà hiệu bộ và giảng đường hoàn thành năm 1976

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]