Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Tin giáo dục > Trí nghề và tay nghề

Trí nghề và tay nghề

Ai làm việc cũng phải biết nghề, tất cả các trường đều nhằm dạy cho học sinh biết nghề đến một mức độ nào đó. Theo chúng tôi, cần có sự thay đổi một cách cấp bách trong nhận thức, đó là khái niệm “tay nghề” và “trí nghề”.

Đến nay, nhiều người vẫn hiểu nghề là gắn với sự khéo léo của chân tay, sự vững chắc của cơ bắp, biết nghề là để đi làm thuê (chứ khó thành ông chủ), người có nghề thường ở những thang bậc thấp trong xã hội. Lịch sử hàng ngàn năm đã tạo ra nếp nghĩ như vậy, dù ông cha ta đã nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Có lẽ do rơi rớt của quan niệm trên nên ngay cả Nhà nước cũng còn đặt những biển “cấm đi ngược chiều” đối với con đường tiến thân của những học sinh trường nghề hiện nay. Hai tấm biển mà nhiều người nói tới là: học cao đẳng nghề thì không được liên thông vào đại học; khi bước chân vào cơ quan nhà nước làm công chức thì học sinh trường nghề bị xếp sau các bạn từ trường “không nghề” (may mà các doanh nghiệp nghĩ ngược lại: giỏi nghề là số 1).

Chỉ có trình độ cao thấp trong cùng một nghề

Với sự phát triển của nhận thức, nhất là sự bình đẳng trong lao động, ở các quốc gia tiên tiến không còn quan niệm phân chia sang hèn, cao thấp giữa lao động chân tay, lao động trí óc, một dấu vết sâu đậm của nền kinh tế nông nghiệp và xã hội công nghiệp sơ khai. Đặc biệt, với cuộc cách mạng trong quan niệm về năng lực của con người với học thuyết các dạng trí tuệ khác nhau (The theory of multiple intelligence) mà giáo sư Howard Garner, Đại học Harvard, đặt nền tảng, những ngộ nhận tồn tại dai dẳng trong giáo dục và trong cuộc sống về nghề nghiệp của con người đã bị xóa bỏ. Không có nghề sang nghề hèn, nghề cao nghề thấp, chỉ có trình độ cao hay thấp trong cùng một nghề. Đúng là trong dãy tần của nghề nghiệp, của các loại năng lực con người thì có nghề phát huy năng lực ngôn ngữ, hay năng lực logic – toán học, hay năng lực âm nhạc, hay năng lực thị giác – không gian, hay năng lực cơ thể – vận động… (theo cách phân loại của giáo sư Garner).

Có người nói rằng hiện nay các trường nghề dạy các nghề mà lượng mồ hôi đổ ra nhiều hơn các nghề do các trường không dạy nghề đào tạo. Nghĩa là họ cũng công nhận các trường không phải trường nghề (đại học, cao đẳng do Bộ GDĐT quản lý) cũng dạy nghề, nhưng là các nghề sôi trí óc nhiều hơn đổ mồ hôi!

Đây lại là một lầm lẫn. Tất cả các nghề ngày nay đều được kiến trúc trên nền tảng sáng tạo cao độ, trong đó rất nhiều nghề phải gọi là “trí nghề” thay vì xưa nay chỉ nói “tay nghề”. Dù rằng đó là một cách khái quát hóa, hình tượng hóa rất hay nhưng chưa đủ và có thể gây ngộ nhận. Ngay cả những nghề thường gắn với chữ “tay nghề” như nghề mộc, nghề thiết kế thời trang… thì phần lớn đã được thế giới công nhận là các nghề của tương lai và thuộc về nền “kinh tế sáng tạo”, là giai đoạn phát triển cao của kinh tế tri thức.

Vô nghề mới đáng sợ

Học sinh và phụ huynh có thể hoàn toàn tin tưởng rằng “trí nghề” hay “tay nghề” cũng quý như nhau. Có trường nghề dạy tay nghề và cũng có trường nghề dạy trí nghề, hoặc dạy cả hai nhóm này. Trường cao đẳng nghề iSPACE đang dạy bốn nghề – đều là trí nghề – gồm kỹ thuật máy tính và mạng, kỹ thuật phần mềm, kế toán doanh nghiệp và tài chính ngân hàng. Trường đang nghiên cứu để có thể trong tương lai không xa mở thêm các nghề thuộc nhóm tay nghề như xử lý hình ảnh, kỹ thuật tự động…

Tay nghề hay trí nghề đều quý. Chỉ có vô nghề mới đáng sợ cho đời người, mới là tai họa cho gia đình và xã hội. Đứng trên góc độ vào đời với nghề nghiệp vững chắc thì các trường nghề là lựa chọn tốt cho các em. Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng của các em là có điều kiện hoàn chỉnh học vấn đại học đúng là đang có vấn đề. Nhà nước không thể chậm trễ trong việc sửa chữa những sai lệch đã quá rõ trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước: một là hòa nhập hai hệ thống nhà trường hiện nay với tiêu chí rõ ràng là trường nào cũng là nơi dạy nghề; hai là nhanh chóng cho ra đời các đại học nghề mà sức hút thanh niên nhất định sẽ rất lớn.

Ts Nguyễn Trọng
nguồn: tuoitre.vn

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]