Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Đào tạo nghề trước ngưỡng cửa Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Tín hiệu vui

Đào tạo nghề trước ngưỡng cửa Cộng đồng Kinh tế ASEAN: Tín hiệu vui

Cánh cửa hội nhập đã mở. Cơ hội thúc đẩy phát triển nền kinh tế đã đến. Để tận dụng tối đa lợi ích mà hội nhập mang lại, Việt Nam cần có một đội ngũ lao động chuyên nghiệp…Dù không phải lần đầu tiên nhưng hiện tượng hàng loạt học sinh ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội… từ chối vào đại học để chuyển sang học nghề trong năm học 2015 – 2016 cho thấy, có sự chuyển biến nhận thức về bằng cấp và việc làm trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Tín hiệu này mở ra lời giải cho bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” đang làm đau đầu các cấp chính quyền cũng như toàn xã hội.

Việc làm quan trọng hơn bằng cấp!

Dù chưa vào thời điểm chính mùa tuyển sinh của các trường nghề nhưng Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội đã tiếp nhận 71 bộ hồ sơ của các thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia. Thay vì lựa chọn một trường đại học để “bằng bạn bằng bè” và rạng danh như gia đình mong muốn, những thí sinh này đã tìm đến trường nghề để đầu quân với suy nghĩ: Việc làm quan trọng hơn tấm bằng đẹp!

Lương Đình Linh, sinh năm 1997, trú tại thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, dù đạt 18 điểm – đủ để vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhưng Linh vẫn tìm đến với nghề cơ điện tử, Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội. Linh chia sẻ, khi đưa ra quyết định này, bố và mẹ đã phản đối dữ dội, “nhất là bố, dù giờ này em đã nhập học được hơn 2 tuần nhưng ông vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận”. Tuy nhiên, không vì thế mà Linh thay đổi quyết định, bởi chọn học nghề đã giúp Linh cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề: giảm thời gian, chi phí học tập; có việc làm ngay và phần nào giúp bố mẹ giải tỏa gánh nặng tài chính. Ngoài ra, “em còn là một trong những đối tượng được nhà trường xét tặng học bổng dành cho những người đỗ đại học chuyển sang học nghề” – Linh hớn hở khoe.

Hay như với các tân sinh viên của hệ Cao đẳng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, các em xác định nếu học đại học thì phải các trường top trên, còn không, học nghề thích hợp nhất vì đây mới thực sự là “chiếc cần câu” cho các em khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng.

2 năm trước, Nguyễn Sơn Tùng ở Ngã Tư Canh, Từ Liêm, Hà Nội chọn học nghề Cơ điện tử tại Trường Cao đẳng Nghề chất lượng cao Hà Nội vì không muốn lặp lại vết xe đổ của các anh, chị trong khu phố, học đại học thậm chí cao học nhưng vẫn không có việc làm. Và bây giờ khi bước vào năm cuối, Tùng càng tự tin khẳng định lựa chọn của mình là sáng suốt. Hiện, ngoài việc vừa hoàn thành các học phần cuối cùng của khóa học, Tùng còn được tham gia vào một dự án với Công ty CP ứng dụng công nghệ & CNC Việt Nam – nơi đã nhận em và một số bạn trong khóa về thực tập và hưởng chế độ như một kỹ sư thực thụ…

Giờ thực hành nghề cơ điện tử của sinh viên trường Cao đẳng Nghề chất lượng cao Hà Nội

Để tư duy mới lan tỏa

Đến hết tháng 9, các trường nghề trên cả nước đã tuyển được gần 1.300.000/2.150.000 người, đạt 62,6% kế hoạch và con số này dự báo sẽ còn tăng khi mùa tuyển sinh nghề kết thúc vào cuối tháng 11. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh cánh cửa đại học năm nay tiếp tục rộng mở, nhưng vẫn có nhiều thí sinh tìm đến trường nghề. Thậm chí, nhiều người đã tốt nghiệp đại học cũng đăng ký học tiếp tại các trường cao đẳng nghề.

Theo lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lý do thật đơn giản: Người dân, nhất là lớp trẻ đã nhận thức được giá trị đích thực của việc chọn cho mình con đường học tập vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển của xã hội. Đầu năm 2015, Viện Khoa học Lao động và Xã hội công bố, quý I.2015, số lao động có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người. Thông tin này khiến không chỉ giới trẻ mà ngay cả phụ huynh “trọng chữ nghĩa” cũng phải cân nhắc khi định hướng nghề nghiệp cho con, cháu mình. Hơn thế, việc miễn 100% học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 1.12.2015); ngày càng nhiều doanh nghiệp tuyển nhân viên ngay tại lễ tốt nghiệp của các trường nghề… cũng là động lực thu hút thí sinh học nghề.

Nhưng, để tư duy mới này lan tỏa rộng rãi, phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ tâm lý trọng bằng cấp của đại đa số người dân; đồng thời, làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để học sinh cân nhắc, lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình nếu không tiếp tục học THPT hoặc đại học. Mặt khác, cùng với những chính sách ưu tiên của Chính phủ, tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích học sinh theo học nghề. Quan trọng hơn, phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường dạy nghề. Cần có quy hoạch tổng thể hệ thống các trường nghề (cả trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp); tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất; đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình dạy và học nghề theo hướng tích hợp, lý thuyết đi đôi với thực hành. Đặc biệt, phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, để các em học xong có thể làm được việc cũng như có việc làm ngay, thậm chí có thu nhập cao hơn sinh viên đại học mới ra trường. Có như vậy, học nghề mới thực sự là lựa chọn ưu tiên của học sinh.

Trang Nam (Theo http://tcdn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/6173/seo)

Trả lời

EnglishVietnamese