Đang đọc
Trang chủ > Nội dung nổi bật > Chuẩn hóa việc ghi sổ lên lớp và hồ sơ bài giảng tích hợp – trận đánh tiên phong của chiến lược nâng cao chất lượng giáo viên

Chuẩn hóa việc ghi sổ lên lớp và hồ sơ bài giảng tích hợp – trận đánh tiên phong của chiến lược nâng cao chất lượng giáo viên

Với ý nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm cho sự phát triển bền vững của Nhà trường, chiến lược nâng cao chất lượng giáo viên hiện đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Chiến lược đã thực sự vào cuộc khi ngày 11/3 trường Cao đẳng nghề Cơ giới Ninh Bình tổ chức buổi tập huấn về việc chuẩn hóa việc ghi sổ lên lớp và hồ sơ bài giảng tích hợp.

Buổi tập huấn diễn ra cả ngày với hai nội dung nói trên. Tuy buổi tập huấn mới chỉ dừng lại ở việc thuyết trình về nội dung cơ bản cũng như hỏi- đáp các vấn đề liên quan nhưng nó đã có ý nghĩa nhất định trong việc chuẩn hóa hai tập văn bản có ý nghĩa quan trọng nhất của người giáo viên- sổ lên lớp và giáo án tích hợp.

Hướng dẫn ghi sổ lên lớp và những lưu ý

Ghi sổ lên lớp là công việc quen thuộc của mỗi GV khi lên lớp nhưng thực tế không phải giáo viên nào cũng thực hiện đúng theo các quy ước văn bản.  Đợt công  tác kiểm định vừa rồi là câu trả lời thiết thực nhất.

Cô Phạm Thị Hoài Hương, giáo viên thuộc Phòng Đào tạo, đã hướng dẫn một cách chi tiết và rành mạch cách ghi sổ lên lớp. Điều làm các giáo viên thích thú và tiếp thu các thông tin hiệu quả nhất đó là cô đã dùng phương pháp phản đề để dẫn dắt vấn đề của mình. Cô trình chiếu những văn bản trực tiếp với các lỗi sai, gợi mở để các GV cùng thảo luận. Sau đó, những văn bản chuẩn cùng các quy ước phải tuân thủ, lần lượt được đưa ra.

Phòng Đào tạo đã đưa ra một loạt những lưu ý. Đó là khi ghi tên lớp, cần phải tuân thủ ghi bằng chữ in hoa có dấu và được cập nhật tên đó từ phần mềm Eduman. Về việc điểm danh công vắng của HSSV, GV phải liệt kê kết quả điểm danh ở cả phần Theo dõi ngày học tập gần đầu sổ và phần điểm danh của từng trang cá nhân GV. Ngoài ra không được viết tắt hay dùng các cách ký hiệu hóa tùy tiện, không được tẩy xóa điểm tùy tiện và không sử dụng loại bút xóa màu trắng đang thông dụng trên thị trường, để sửa điểm. Trong trường hợp nếu phải sửa điểm cũng phải tuân thủ theo cách sửa điểm do Phòng Đào taọ quy ước, kèm chữ ký xác nhận bên cạnh… Phần nội dung giảng dạy trong sổ cũng phải ghi đầy đủ, ngay cả ở cột kiểm tra cũng không thể thiếu thông tin số thời gian dành cho giờ kiểm tra …

Nhìn chung, với cách trình bày rõ ràng, tường minh và cụ thể như vậy, các GV đã tiếp thu được rất nhiều thông tin bổ ích cho mình. Hy vọng sau lần này, việc ghi sổ lên lớp sẽ thực sự được chuẩn hóa.

Các GV đang rất mong muốn và trông chờ Ban Giám hiệu cùng Phòng Đào tạo, sau ngày 11.3 này, sẽ ban hành những mẫu sổ với những quy định cụ thể để cả trường cùng thực thi.

Giáo án tích hợp – từ cái nhìn hệ thống và những nội dung nổi bật

Đây không phải lần đầu trường tổ chức tập huấn về giáo án tích hợp. Do đó, ngày 11.3,  chỉ là tái hiện và hệ thống lại toàn bộ hình thức và cấu trúc của Hồ sơ bài giảng tích hợp. Cô Nguyễn Thị lành – giáo viên khoa Sư phạm dạy nghề, đã lên trình bày khái quát về cấu trúc của hồ sơ bài giảng tích hợp cũng như thống nhất lại những nội dung cơ bản mà GV thường hay sai sót. Bộ Hồ sơ này bao gồm Phương án bài giảng, giáo án tích hợp, đề cương bài giảng, những tài liệu phát tay đi kèm (có thể là bảng trình tự, bảng sai hỏng, các câu hỏi trắc nghiệm, bộ phiếu bài tập…). Hồ sơ bài giảng tích hợp chỉ phục vụ cho hội giảng các cấp còn thực tế lên lớp GV không cần phần Phương án bài giảng, chỉ cần giáo án, đề cương bài giảng và có thể là các tài liệu đi kèm kia, khi từng cá nhân GV thấy cần thiết. Giáo án trường hiện dùng vẫn là giáo án tích hợp theo công văn1610/TCDN.

IMG_7275

Điều các GV khi đứng lớp thấy khó khăn vướng mắc nhất là sự chọn lựa phần Lý thuyết liên quan để giảng dạy đối với từng tiểu kỹ năng và việc lập bảng trình tự, thiết kế phiếu đánh giá kết quả luyện tập. Phần này do cô Phạm Thị Phương Liên khoa Cơ điện và cô Phạm Thanh Bằng khoa Sư phạm DN, phụ trách.

IMG_7286

Khi giảng dạy giáo án tích hợp, điều quan trọng là phải biết phân biệt hệ thống của từng kỹ năng rồi tiểu kỹ năng. Mỗi tiểu kỹ năng sẽ phải biết lựa chọn từng phần lý thuyết chỉ liên quan đến các tiểu kỹ năng đó để giảng dạy. Ví dụ, trước kia GV sẽ dạy một loạt các vấn đề lý thuyết về khái niệm, cấu tạo, nguyên lý hoạt động… của loại động cơ  nào đó trong vài tiết học rồi mới dành một loạt thời gian lập các quy trình thực hiện, cho học sinh thực hành tháo lắp, sửa chữa, bảo dưỡng… Nhưng với giáo án tích hợp, các GV  phải biết “liệu cơm gắp mắm” từng phần lý thuyết của từng tiểu kỹ năng. Có thể là khi dạy và cho học sinh thực hành về tháo, lắp thì chọn lý thuyết phần cấu tạo, dạy sửa chữa thì chọn lý thuyết về nguyên lý hoạt động cùng nghệ thuật tái hiện kiến thức cũ cho HS về phần cấu tạo để dạy… Nếu như phần cấu tạo của từng động cơ quá phức tạp và số tiết dành cho việc lập bảng trình tự cũng như thực hành nhiều thì phần lý thuyết LQ có thể khéo léo chia ra cho từng tiết là cấu tạo tổng quan hay đặc điểm lắp ghép dùng để dạy và cho HS thực hành với trình tự tháo, lắp… Điều này đều do thực tế khách quan của từng nội dung bài giảng mà các GV phải linh hoạt vận dụng. Các GV khoa Ô tô thi công đã từng vận dụng cách chọn lựa lý thuyết LQ như thế để giảng dạy và đạt giải cao trong kỳ thi GV giỏi cấp trường rồi cấp tỉnh và quốc gia. Đối với thực tế giảng dạy ở trường, các thày cô có thể soạn giáo án tích hợp theo kỹ năng với từng tiểu kỹ năng tương ứng và theo ca/ kíp dạy chứ không nhất thiết phải từng giáo án tích hợp với từng tiểu kỹ năng là 45 đến 60 phút/ 1 giáo án.  Tuy nhiên, giáo án theo kỹ năng này cũng không nên quá 8 giờ/ 1 giáo án.

Cũng có câu hỏi thực tế rằng, nếu như trong nội dung bài giảng có quá nhiều phần lý thuyết và GV thấy chưa hợp lý để lắp ghép thành các phần lý thuyết liên quan của các tiểu kỹ năng thì sẽ làm như thế nào? Đâu là lời giải cho bài toán của bộ giáo án tích hợp này?. Trong trường hợp này, GV hoàn toàn có thể soạn một giáo án lý thuyết độc lập nằm trong bộ giáo án giảng dạy của mình. Như vậy nguyên nhân trực tiếp của vấn đề phức tạp và khó phân biệt lý thuyết hay lập bảng trình tự chính là nằm trong nội dung bài giảng. Được biết Trưởng Phòng đào tạo đã có kế hoạch về việc biên soạn nội dung bài giảng theo modul của chương trình đào tạo và đã công bố từ ngày 10/2 trước toàn trường. Đây là kế hoạch mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Tuy nhiên một số giáo viên trong trường cũng bày tỏ sự lo lắng vì nội dung bài giảng của một số môn học/modul chưa thực sự được chuẩn hóa. Điều này cũng là thực tế khách quan của rất nhiều các trường nghề. Như vậy lời giải cho ẩn số chuẩn hóa rồi modul hóa nội dung bài giảng lại là điều không đơn giản và là sự khắc khoải mong chờ của GV trực tiếp đứng lớp.

Lập bảng trình tự cũng là vấn đề quan trọng và có ý nghĩa mấu chốt trong tất cả vấn đề còn lại của GA tích hợp. Có thể nói phần Trình tự thực hiện chính là linh hồn của toàn bộ giáo án tích hợp. Bảng Trình tự thực hiện thông thường phải có các nội dung chính: ND công việc (tên các bước cùng các thao tác); Thiết bị, dụng cụ và vật tư; yêu cầu kỹ thuật; lưu ý/ghi chú/hình minh họa… Do đặc thù của modul hay của từng bài học cụ thể mà GV có thể linh hoạt đưa phần nào vào trình tự của mình nhưng phần ND công việc yêu cầu kỹ thuật là phần không thể không có.

Ngoài ra, khi lập bảng trình tự cũng phải lưu ý:

Tất cả các bước và các thao tác trong từng bước luôn phải bắt đầu bằng

động từ hành động

Từng bước phải đơn giản, rõ ràng, sử dụng các thuật ngữ của nghề

Mỗi bước đều có thể quan sát được

Các bước không vụn vặt và bao hàm những kiến thức chung chung

Phải có phần chỉ ra các bước nguy hiểm hoặc liên quan đến an toàn

Bảng trình tự không nên quá ngắn (dưới 3 bước) và không nên quá dài (trên 8 bước)

Để hiện thực hóa tất cả những thiết kế trên vào bài giảng trên lớp của mình, để tạo tính hiệu quả của quá trình dạy học, GV phải ứng dụng linh hoạt các kỹ năng lên lớp. Các kỹ năng lên lớp cơ bản như kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng sử dụng bảng, kỹ năng tổ chức thảo luận nhóm, những lưu ý khi trình diễn kỹ năng nghề cũng như cách soạn câu hỏi trắc nghiệm là những vấn đề, theo dự kiến, sẽ được cùng trao đổi hôm 11/3. Nhưng việc chuẩn hóa về sổ lên lớp và giáo án trên, các GV thảo luận quá say mê và không còn thời gian, nên những khía cạnh nội dung này sẽ được trao đổi bằng hình thức khác.

Chuẩn hóa để nâng cao chất lượng GV là cái nền cơ bản không thể thiếu để tạo đà cho CĐN Cơ giới Ninh Bình vươn lên và phát triển vững mạnh, tạo niềm tin mãnh liệt cho các thế hệ HSSV. Nhưng rõ ràng công việc chuẩn hóa rồi nâng cao chất lượng không chỉ phụ thuộc vào đường lối, chính sách của các cấp quản lý trong Nhà trường mà chính ý thức, sự cố gắng và tính chủ động, tích cực, sáng tạo của từng bản thân mỗi GV cũng là yếu tố quan trọng cho thắng lợi này.

Hằng Đỗ

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]