Đang đọc
Trang chủ > Tin tức > Đổi mới công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường

Đổi mới công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường

Trong Bản tin Cập nhật thị trường lao động Việt Nam (quý II năm 2015), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) và Tổng cục Thống kê cảnh báo sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH tại Việt Nam. Đã tới lúc, Việt Nam cần đổi mới công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường; cải thiện chất lượng và tính phù hợp của nền giáo dục và đào tạo ở các trường THPT và dạy nghề để đáp ứng được tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh chóng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình…
Thị trường lao động cần gì?
Đến Quý II năm 2015, trong số 10,77 triệu người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật (có bằng cấp/chứng chỉ từ sơ cấp và tương đương trở lên), trình độ ĐH trở lên có 4,47 triệu người (chiếm 41,51%), trình độ cao đẳng (CĐ) có 1,61 triệu người (chiếm 14,99%), trình độ trung cấp 2,92 triệu người (chiếm 27,11%); sơ cấp có 1,77 triệu người (chiếm 16,39%). Theo đó, cơ cấu trình độ ĐH trở lên/cao đẳng/trung cấp/sơ cấp tương ứng với tỷ lệ 1:0,35:0,65:0,4; điều này cảnh báo sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH. Và nguy cơ này sẽ gia tăng khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Thực tế tại các phiên giao dịch việc làm ở các địa phương cho thấy, nhóm lao động kỹ thuật luôn “đắt hàng” nhất trong các nhu cầu tuyển dụng lao động. Trung bình, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển dụng lao động kỹ thuật chiếm 50 đến 70% tổng số chỉ tiêu. Mức lương khởi điểm của nhóm này ở mức bốn đến sáu triệu đồng/tháng/người; chưa kể có những vị trí công việc lao động kỹ thuật cao, mức lương lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng luôn thiếu lao động. Trong khi đó, nhóm có trình độ ĐH thất nghiệp nhiều, bởi một số lý do: lĩnh vực chuyên môn chưa phù hợp với yêu cầu của thị trường, chủ yếu là ứng viên ngành xã hội; mức lương khởi điểm không như kỳ vọng; tâm lý liên tục “nhảy việc” của người lao động do làm việc không đúng ngành nghề, năng lực chuyên môn chưa tương xứng với bằng cấp. Tình trạng lao động tốt nghiệp ĐH trở lên chấp nhận làm lao động phổ thông, không đúng ngành, nghề đã học khá phổ biến ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh…
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB và XH) Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, về nguyên tắc, lao động trình độ từ sơ cấp đến bậc trung cấp phải chiếm tỷ lệ cao hơn lao động có trình độ ĐH. Tuy nhiên, mô hình đào tạo nhân lực tại Việt Nam lại không phù hợp với thị trường lao động hiện nay. Dù chúng ta chưa thiếu toàn bộ lao động kỹ thuật, nhưng tất yếu trong cơ cấu, giáo dục nghề nghiệp phải phát triển nhanh hơn giáo dục ĐH. Trong khi đó, một số người có bằng tốt nghiệp ĐH nhưng năng lực không tương xứng, và luôn cho rằng công việc họ làm phải ngang với tấm bằng ĐH. Việc kén chọn công việc của họ, đã góp phần khiến câu chuyện thất nghiệp ở Việt Nam có đặc thù thất nghiệp tự nguyện.
Giải quyết tận gốc vấn đề phân luồng
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua mặc dù có nhiều đổi mới, việc có kết quả thi rồi mới đăng ký vào các trường, giúp thí sinh đánh giá và lựa chọn đúng với năng lực của mình. Nhưng thực tế với việc điểm sàn từ 12 đến 13 điểm là học sinh cũng có thể bước vào cánh cổng ĐH, cho thấy với cách phân luồng giáo dục hiện nay ba phần tư số học sinh tốt nghiệp THPT lại học tiếp vào giáo dục ĐH, đang thật sự có vấn đề và gây không ít hệ lụy cho thị trường lao động.
Trong khi giáo dục nghề nghiệp đang phải “vật lộn” để có đủ học sinh, thì khu vực giáo dục ĐH cũng đang phải tiếp nhận nhiều học sinh không đáp ứng đủ năng lực, điều này tạo lãng phí rất lớn cho xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, trong phân luồng, cơ cấu của thị trường lao động hiện nay chỉ cần khoảng 20% số lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên. Như vậy, trong tuyển sinh, chúng ta phải phân luồng 40% vào ĐH, còn 60% vào giáo dục nghề nghiệp sẽ hợp lý hơn.
Có thể nói, câu chuyện phân luồng giáo dục đã được đề cập từ rất lâu, nhưng thực tế việc triển khai lại chưa hiệu quả. Đây được coi là vấn đề lớn của xã hội, cho nên ngay sau khi có Nghị quyết T.Ư 2 năm 1998, chúng ta cũng đã tập trung đẩy mạnh phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề. Tuy nhiên, kết quả phân luồng rất hạn chế.
Chỉ thị số 10-CT/T.Ư ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Đến năm 2020 phấn đấu có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề”. Nhưng thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 3,5% số học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề, rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Dương Đức Lân, một năm có khoảng 1,5 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, nếu chúng ta thực hiện tốt Chỉ thị số 10 thì có khoảng 450 nghìn học sinh tham gia học nghề; chưa kể số học sinh THPT sau này cũng vào các trường nghề; với khoảng 700 đến 800 nghìn lao động có tay nghề, sẽ dần cải thiện và tạo ra một cơ cấu lao động hợp lý. Bởi xét về cơ cấu, thị trường lao động ở Việt Nam chỉ cần khoảng 15% số người tốt nghiệp ĐH; 40% số người có kỹ năng nghề trình độ trung cấp và CĐ; 40 đến 45% số lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Để làm được điều này, vấn đề phân luồng không phải chỉ theo mệnh lệnh hành chính. Chúng ta cần tạo ra các “rào cản kỹ thuật”, định hướng những học sinh có năng lực thì học tiếp THPT và ĐH, còn lại nên hướng vào giáo dục nghề nghiệp. Điều này cho thấy đã đến lúc cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong quyết tâm thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề phân luồng, cần làm tốt hướng nghiệp cho học sinh, cân nhắc, lựa chọn nghề học phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Mặt khác, cùng với những chính sách ưu tiên của Chính phủ, tùy theo điều kiện cụ thể của mình, các địa phương cần có cơ chế khuyến khích học sinh theo học nghề. Quan trọng hơn, là việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trường dạy nghề, nhất là sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, để học sinh ra trường có việc làm ngay…
Chấp nhận áp lực cạnh tranh
Khi AEC được thành lập, thị trường lao động nội khối ASEAN được dự báo sẽ có sự tăng trưởng bứt phá về việc làm nhờ dòng lao động di cư mạnh mẽ. Sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động tạo ra nhu cầu ngày càng tăng với những lao động có trình độ, kỹ năng cao. Theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều dẫn đến việc lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái-lan. Còn lại, hầu hết lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng.
Hiện, ASEAN đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức đối với tám nghề được “tự do” chuyển dịch: Kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Đồng thời, việc công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề sẽ là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc thực hiện dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Những lao động lành nghề được chứng nhận về trình độ, kỹ năng sẽ được di chuyển tự do hơn. Đây cũng sẽ là thách thức cho những nước không, chưa có và chưa kịp đào tạo đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ, kỹ năng cao và buộc phải chấp nhận nguồn lao động di cư đến từ các nước.
Tham gia AEC, Việt Nam có những lợi thế nhất định, nhất là về quy mô lao động, cơ cấu lao động “trẻ”. Tuy nhiên, với xuất phát điểm thấp, với khoảng 45% lực lượng lao động vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết chưa qua đào tạo, chỉ có khoảng 30% tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Tay nghề lao động là điểm cạnh tranh trực tiếp với lao động nước ngoài khi Việt Nam hội nhập. Với thực trạng tay nghề lao động như hiện nay, chúng ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực, có sự điều chỉnh phù hợp về cơ cấu lao động, tổ chức tốt thị trường lao động. Bên cạnh đó, người lao động cũng phải chủ động nâng cao tay nghề, các kỹ năng mềm khác và học ngoại ngữ để có cơ hội tham gia làm việc tại các nước của AEC. Lao động Việt Nam phải ý thức được điều này, chấp nhận áp lực cạnh tranh, để không bị thua ngay trên sân nhà.
Theo nghiên cứu Cộng đồng ASEAN 2015: “Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á với tựa đề, sự chuyển đổi cơ cấu lao động dưới tác động của hội nhập AEC sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các trình độ kỹ năng khác nhau. Trong đó, nhu cầu đối với trình độ kỹ năng trung bình sẽ tăng nhanh nhất, theo sau là các công việc có kỹ năng thấp. Theo dự báo, từ năm 2015 đến 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, so với mức tăng 23% ở lao động có trình độ kỹ năng thấp và 13% cho lao động có kỹ năng cao.
Điều này, đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được sự tăng trưởng việc làm, phát triển nguồn lao động có kỹ năng trung bình trở lên, cùng với đó là việc gắn kết quy hoạch kinh tế và nhân lực. Theo dự báo, với sự mở rộng của các ngành dệt may, xây dựng và vận tải, việc tập trung vào phát triển các kỹ năng nghề cụ thể cùng với thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ giúp lao động trẻ Việt Nam có được sự chuẩn bị cho tương lai gần.
Theo Nghị định 86/NĐ-CP ngày 2-10-2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021, thì người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp (học nghề) được miễn giảm 100% học phí.
★ Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐ-TB và XH đang xây dựng Đề án về Khung trình độ quốc gia với tám bậc trình độ. Trong đó, có ba bậc 6, 7, 8 thuộc giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và năm bậc còn lại thuộc giáo dục nghề nghiệp do Bộ LĐ-TB và XH xây dựng. Các bậc trình độ được liên thông và thống nhất với nhau theo chuẩn đầu ra.

Thu Hằng (Theo Vũ Lan -Báo Nhân dân)

Trả lời

Top
EnglishVietnamese
[X]